Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý trách nhiệm thế nào?

Thúy Nga| 17/09/2012 07:49

(HNM) - Thời gian qua, dư luận rất đồng tình với việc thu hồi đất dự án bỏ hoang do doanh nghiệp (DN) sử dụng lãng phí hoặc chậm triển khai. Tuy nhiên, đất đai ở một số dự án bị bỏ hoang quá hạn định mà nguyên nhân từ phía cơ quan chức năng lại chưa được xem xét giải quyết thấu đáo.

Hàng nghìn mét vuông đất tại dự án Cụm công nghiệp Di Trạch, huyện Hoài Đức bị bỏ hoang. Ảnh: Hữu Hoài


Di Trạch là xã thuần nông, nhưng diện tích đất nông nghiệp không nhiều, chỉ còn khoảng 60ha. Sở dĩ quỹ đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp là do những năm qua, địa phương này đã dành 120ha đất nông nghiệp cho các dự án phát triển công nghiệp, đô thị. Cũng giống như nhiều địa phương, chính quyền và người dân nơi đây hy vọng, chủ trương "tiến công" vào lĩnh vực công nghiệp sẽ sớm mang lại hiệu quả kinh tế khi các nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị mọc lên trên quê hương. Từ tư duy đó, xã đã đề nghị và được tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch đầu tư xây dựng điểm công nghiệp (nay là cụm công nghiệp) tại cánh đồng Dè và đồng Mực từ những năm 2003.

Bà Trần Thị Én, Phó Trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức cho biết, ngày 18-4-2006, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành Quyết định số 655/QĐ-UBND thu hồi 83.862m2 đất nông nghiệp của xã Di Trạch chuyển thành đất chuyên dùng giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Di Trạch. Cùng với đó, huyện Hoài Đức triển khai việc thu hút doanh nghiệp thuê đất ở cụm công nghiệp và đến tháng 5-2010 đã có 18 DN đăng ký thuê đất. Tại thời điểm đầu tư, do khó khăn về nguồn vốn ngân sách, các DN đăng ký thuê đất đã bỏ kinh phí khoảng 50 tỷ đồng nộp cho huyện Hoài Đức để xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp. Đến nay, theo quy định, huyện phải làm thủ tục giao đất cho DN thuê đất. Tuy nhiên, sau khi hợp nhất tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội, dự án cụm công nghiệp bị dừng lại chờ quy hoạch chung của Thủ đô cùng một số vướng mắc khác nên chưa giao đất được.

Theo ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, việc bỏ hoang đất đai 5-6 năm, không giao đất cho các DN không những gây lãng phí về đất đai mà còn gây bức xúc trong dư luận. Đã có nhiều ý kiến gay gắt trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Bà Trần Thị Én cho biết thêm, trước bức xúc của nhân dân, huyện đã có nhiều văn bản đề nghị với các sở, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội cho phép giao đất cho các DN để sử dụng tránh lãng phí, nhưng chưa thấy hồi âm.

Nhiều người dân xã Di Trạch bức xúc trước việc hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp của địa phương bị thu hồi rồi bỏ hoang nhiều năm, trong khi đó người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hợi, xã Di Trạch cho biết, người dân đồng tình với việc chính quyền thu hồi đất bỏ hoang do DN sử dụng lãng phí, chậm triển khai dự án. Nhưng với dự án chậm triển khai mà nguyên nhân từ phía các cấp chính quyền thì xử lý trách nhiệm thế nào. Không lý gì khu đất rộng hàng chục nghìn mét vuông, bỏ hoang 5-6 năm mà chính quyền lại không nắm được - bà Nguyễn Thị Hợi trăn trở.

Liên quan đến việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng gây nhiều bức xúc, lãnh đạo UBND huyện Hoài Đức cho rằng, ngoài những bức xúc do chậm bố trí, hỗ trợ tái định cư ở một số dự án chưa bảo đảm được dân chủ, công khai, công bằng, đôi khi làm chưa quyết liệt... Việc dự án chậm triển khai, bị bỏ hoang gây lãng phí có lỗi từ các cấp chính quyền. Đến nay, mặc dù quy hoạch chung của Thủ đô đã được phê duyệt, nhưng Cụm CN xã Di Trạch vẫn chưa được triển khai, đất vẫn bỏ hoang và 50 tỷ đồng của DN vẫn "chôn vùi" vì không tạo ra được sản phẩm. Dư luận mong mỏi UBND TP Hà Nội và các sở, ngành chức năng sớm định hướng và chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức khai thông cụm CN để DN được giao đất triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý trách nhiệm thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.