Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý thực phẩm “bẩn”: Quên trách nhiệm của UBND các cấp?

Theo Minh Hòa/VOV| 14/07/2016 16:11

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế: 'Chúng ta hay đề cập trách nhiệm các Bộ, ngành mà quên trách nhiệm của UBND các cấp'.


Trong kế hoạch vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2016 của MTTQ Việt Nam cho biết, sẽ công bố tên và việc xử lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, gia đình, cá nhân vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông, báo chí của Trung ương và địa phương.

Quên trách nhiệm của UBND các cấp

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngoài việc chúng ta thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như Bộ Y tế đang yêu cầu đối với các địa phương hiện nay là phải phải thông tin kịp thời kết quả xử lý vi phạm của các cơ sở vi phạm tới người dân, đồng thời niêm yết công khai tên các cơ sở vi phạm để người dân tẩy chay, không mua thực phẩm ở những nơi như vậy.


Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.


Theo ông Nguyễn Thanh Long, hiện cả nước có khoảng 9 triệu hộ và 600.000 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm. Nếu tính như vậy, cứ 9 người dân có một người kinh doanh thực phẩm, tỷ lệ như vậy là khá cao.
“Vậy để cho 9 triệu hộ và 600.000 doanh nghiệp đảm bảo về vệ sinh khi kinh doanh thực phẩm là vô cũng khó, đòi hỏi có sự tham gia mạnh mẽ của tất cả các tổ chức chính trị xã hội và của toàn dân. Trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, của chính quyền địa phương. Chúng ta hay đề cập trách nhiệm các Bộ, ngành mà quên trách nhiệm của UBND các cấp”.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong Chỉ thị 13 của Chính phủ cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu UBND các cấp về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, chính quyền địa phương phải thực sự vào cuộc thì mới góp phần hạn chế được tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang lan tràn hiện nay.


Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT


Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề bức xúc kéo dài. Chúng ta phải đặt ít nhất trong 5 năm thì mới tạo chuyển biến căn bản, không thể làm trong 1 năm, không thể một cơ quan làm được mà phải là cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận các cấp và toàn thể nhân dân.

Không thể kéo dài sự đối đầu của người dân

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, không thể kéo dài sự đối đầu giữa người trực tiếp sản xuất thực phẩm nhưng lại không tuân thủ an toàn thực phẩm với chính quyền trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Lâu nay việc người dân trực tiếp nuôi trồng và sản xuất thực phẩm nhưng không thực sự tuân thủ an toàn thực phẩm đã không còn là chuyện hiếm và điều này nếu tiếp tục sẽ trở thành những người đối đầu với hệ thống chính quyền cũng như Mặt trận.


Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


“Người dân phải là người đồng hành chứ không phải là người đối đầu trong cuộc chiến đảm bảo an toàn thực phẩm. Vấn đề là người trong cuộc phải thay đổi nhận thức”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, phải tuyên truyền xuống đến tận hộ dân; đồng thời phải có quy trình hướng dẫn sản xuất sạch, kinh doanh sạch và phải giám sát được các quy trình. “Trên thực tế, đã có nhiều quy trình nhưng cũng có quy trình không đúng hoặc là đã lạc hậu. Như vậy năm 2016 có yêu cầu trong quý 3, các Bộ, ban ngành liên quan phải ban hành được hướng dẫn quy trình sản xuất sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

“Hiện nay nếu cá nhân hộ nông dân vi phạm chúng ta có chế tài không? Việc này không dễ nên phải có công đoạn vận động trước, phải có hướng dẫn, tuyên truyền vận động cho người dân”- ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Ông Lê Tiến Châu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cũng với việc vận động, giám sát người dân trong việc kinh doanh an toàn thực phẩm, nhưng gốc của vấn đề vẫn phải là nhận thức từ người sản xuất. Người dân phải thấy được lợi ích của họ từ chính việc khi sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn thì họ mới vào cuộc.

“Vận động các doanh nghiệp không khó. Khó là việc vận động nông dân, các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Người dân sẽ cân nhắc khi họ thực hiện việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm họ sẽ được gì, mất gì? Vì thế, cần có những chia sẻ với nông dân về kinh nghiệm, vốn, giống để họ thấy được lợi ích khi họ sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm”- ông Châu nói.
Phải giải quyết từ gốc vấn đề

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cũng cho rằng, việc giám sát quan trọng nhất vẫn là người dân, người sản xuất. Không ai có thể tối ngày kiểm tra được. “Phải giải quyết từ gốc vấn đề. Đó là vận động nhân dân tự giác chấp hành. Một yếu tố quan trọng để người dân thực hiện việc này là giá cả. Nếu họ làm tốt tiêu chuẩn đưa ra, thì giá bán bao nhiêu, ai chứng nhận họ có sản phẩm đạt tiêu chuẩn đó? Nếu không có tiêu chí cụ thể thì không thể giám sát, kiểm tra và không thể xử lý được các vi phạm”- ông Chí bày tỏ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, trong quý 3/2016, các Bộ, ngành cần ban hành xong hướng dẫn quy trình sản xuất, kinh doanh sạch. Sau khi có hướng dẫn, vận động mà vẫn diễn ra tình trạng sản xuất bẩn sẽ bị chế tài xử lý. “Quan trọng nhất là cần vận động để thay đổi nhận thức, vì không thể chế tài cả chục triệu người sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước tăng cường quản lý, đoàn thể giám sát để bảo đảm lợi ích người dân theo quy trình cụ thể”.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc tuyên truyền vận động đối với từng hộ dân. Trong đó quan trọng nhất là xã hội cần lên án những đối tượng vi phạm an toàn thực phẩm, khơi dậy "Tòa án lương tâm", xây dựng văn hóa người Việt Nam không đầu độc người Việt Nam./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý thực phẩm “bẩn”: Quên trách nhiệm của UBND các cấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.