Qua báo chí, chúng tôi được biết dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, cơ quan quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát và phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm... Xin hỏi quý báo, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, trường hợp có các tang vật, phương tiện bị tịch thu thì sẽ xử lý như thế nào? Trần Thị Hoa (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Qua báo chí, chúng tôi được biết dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, cơ quan quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát và phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm quy định về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm... Xin hỏi quý báo, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, trường hợp có các tang vật, phương tiện bị tịch thu thì sẽ xử lý như thế nào?
Trần Thị Hoa (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Trả lời:
Theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức.
Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, trường hợp có các tang vật, phương tiện bị tịch thu thì việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, cụ thể là: 1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau: a) Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước; b) Đối với giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì chuyển cho cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản theo quy định tại điểm d khoản này; c) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; d) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước quản lý, sử dụng; đ) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá. Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá; e) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhưng không còn giá trị sử dụng hoặc không bán đấu giá được thì cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu phải lập hội đồng xử lý gồm đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan. Việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu phải được lập thành biên bản có chữ ký của các thành viên hội đồng xử lý. Phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.