Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý ”rác” trên tường: Việc khó càng cần bền bỉ

Hà Hiền| 27/10/2016 06:22

(HNM) - Ngoài bảng quảng cáo tấm lớn thì biển hiệu, biển vẫy, quảng cáo rao vặt (QCRV)… không đúng quy định xuất hiện trên hầu hết các tuyến đường, ngõ, phố đã tạo nên những hình ảnh phản cảm, làm mất mỹ quan đô thị. Trước thực tế khó khăn của việc xử lý loại “rác” trên tường này mới thấy càng cần nhiều hơn sự bền bỉ,

Xử lý không xuể

Nếu như bảng quảng cáo tấm lớn chỉ vi phạm ở một số vị trí nhất định, thì vi phạm trong hoạt động QCRV, biển hiệu, biển vẫy… diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Phổ biến nhất là các hộ kinh doanh dựng biển vẫy trên vỉa hè, lòng đường; treo biển hiệu trên mặt tiền các công trình hai bên đường, phố vượt quá kích thước cho phép; nội dung biển hiệu lẫn với biển quảng cáo, lạm dụng tiếng nước ngoài làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và cả sự trong sáng của tiếng Việt. QCRV vào đến từng ngõ, “gõ” từng nhà, “tấn công” cả các điểm chờ xe buýt, công trình công cộng, tủ điện, cột điện, dây điện, dây cáp trên cao… Đã có không ít giải pháp được các địa phương triển khai linh hoạt nhằm xử lý “rác” trên tường, nhưng vi phạm vẫn tái diễn ở một số nơi.



Quận Hoàn Kiếm coi việc các hộ kinh doanh lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo đúng quy định là một trong những yếu tố tạo nên nét văn hóa, văn minh trong kinh doanh nên đã chủ động động viên, khuyến khích các hộ tự giác thực hiện. Quận Hà Đông thông báo các quy định về biển quảng cáo, biển hiệu tại bộ phận "một cửa". Khi nhận giấy đăng ký kinh doanh, các hộ kinh doanh đồng thời nhận được hướng dẫn xây dựng biển quảng cáo, biển hiệu để thực hiện cho đúng. Thế nhưng, vi phạm về biển hiệu vẫn chưa được khắc phục trên các tuyến phố chính như: Nguyễn Thái Học, Kim Mã (Ba Đình); Tây Sơn, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa); Xuân Thủy, Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy); Quang Trung, Trần Phú (Hà Đông)…

Cùng với việc ra quân bóc, xóa QCRV không đúng quy định, các địa phương còn thành lập đội xung kích, đội tự quản thường xuyên kiểm tra các tuyến đường, ngõ, phố; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân phát hiện đối tượng vi phạm. Một số tổ dân phố, khu dân cư chủ động xóa “rác” trên tường, biến những không gian vốn lem nhem vì QCRV thành tác phẩm nghệ thuật sinh động. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã cắt hàng nghìn thuê bao điện thoại vi phạm, nhưng hễ cắt số này, số khác lại “mọc” lên. Hệ thống bảng QCRV miễn phí đã được lắp đặt ở nhiều địa phương, nhưng hầu hết không phát huy được tác dụng như mong muốn do vị trí lắp đặt chưa phù hợp và số lượng còn ít so với nhu cầu thực tế.

"Cũng rất khó xử lý người đi dán QCRV không đúng nơi quy định vì họ chỉ là người làm thuê, không mang giấy tờ tùy thân, không có tiền nộp phạt... Yêu cầu đối tượng vi phạm tự bóc xóa thì phải có người đi kèm, rất mất thời gian. Vì thế, dù vào cuộc quyết liệt, các địa phương vẫn chưa thể xử lý triệt để nạn QCRV” - ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội nhận định.

Cần thêm những giải pháp phù hợp

Có thể nói, mặt tiền các tuyến đường, tuyến phố từ nội thành đến ngoại thành phong quang, thoáng đãng, ngăn nắp hơn sau khi chấn chỉnh biển hiệu, QCRV. Song, so với yêu cầu phát triển của Thủ đô văn minh, hiện đại và so với mục tiêu đặt ra trong “Năm trật tự và văn minh đô thị”, thì những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu.

Theo ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận Long Biên, các công trình, mặt tiền nhà trên cùng một tuyến phố có sự khác nhau về chiều cao, kiểu dáng, kiến trúc nên khó có thể lắp đặt biển hiệu giống nhau về kích thước và nằm ngay ngắn trên một đường thẳng. Việc lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo nên căn cứ vào tình hình thực tế, có thể chọn một vài nhà hoặc vài chục nhà cạnh nhau, tương đồng với nhau về mọi mặt để lắp đặt biển hiệu có kích thước tương đồng. “Quận Long Biên đã sắp xếp hệ thống biển hiệu, biển quảng cáo trên nhiều tuyến phố chính theo hướng linh động với thực tế, được người dân ủng hộ, đánh giá cao” - ông Nguyễn Trọng Duy khẳng định. Hiện quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy… đang nghiên cứu, triển khai xây dựng các tuyến phố chuẩn về quảng cáo, điểm về văn minh đô thị tương tự như cách quận Long Biên đã làm.

Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận Đống Đa mong muốn các ngành chức năng nghiên cứu lắp đặt, bố trí thêm nhiều bảng QCRV miễn phí, từ nguồn xã hội hóa và không nhất thiết phải kiên cố. Còn ông Phạm Đức Hòa, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao quận Hà Đông chia sẻ, Hà Đông sử dụng riêng một đầu số điện thoại thuê bao để nhắn tin đến các thuê bao vi phạm yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp người vi phạm có phản hồi, Phòng Văn hóa - Thể thao quận sẽ nhắc nhở và hướng dẫn họ cách xử lý. Trường hợp nào không trả lời sẽ bị đưa vào danh sách “đen” gửi lên Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 10 hằng tháng đề nghị cắt liên lạc.

Qua những ví dụ trên, có thể thấy, việc xử lý QCRV là rất khó khăn, song nếu có thêm nhiều hơn sự quyết tâm, bền bỉ, sáng tạo thì "rác" trên tường có thể được đẩy lùi hiệu quả, và mỗi địa phương có thể tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng Thủ đô sạch, đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý ”rác” trên tường: Việc khó càng cần bền bỉ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.