(HNMO)- Những năm gần đây, rác thải sinh hoạt trở thành vấn đề bức xúc đối với khu vực ngoại thành Hà Nội. Bức xúc từ ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân còn chưa cao, cho đến khâu thu gom, vận chuyển, tập kết và xử lý rác. Huyện Chương Mỹ được coi là một trong những “điểm nóng” của khu vực ngoại thành khi “đối mặt” với vấn đề này.
Từ sự cố khu xử lý rác thải núi Thoong
Huyện Chương Mỹ có 32 xã, thị trấn, với hơn 29 vạn dân; 400 cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều cơ quan trung ương, thành phố và đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Theo Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Nguyễn Đăng Hùng, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày thải ra môi trường trên địa bàn huyện khoảng 87 tấn (tương đương 2.610 tấn/tháng). Từ cuối tháng 7-2008 trở về trước, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được Công ty môi trường đô thị Xuân Mai thu gom, vận chuyển và xử lý tại khu vực núi Thoong. Thời điểm này, huyện Chương Mỹ được biết đến là một trong những địa phương làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh môi trường của tỉnh Hà Tây (cũ).
Tuy nhiên, do sự cố của khu xử lý rác thải núi Thoong nên từ đầu tháng 8-2008, rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Chương Mỹ không có nơi xử lý tập trung. Tính đến giữa năm 2009, lượng rác thải sinh hoạt tồn ứ tại các khu tạm tập kết đã lên đến 10 nghìn tấn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân trong khu vực. Để giải quyết tình trạng rác thải tồn ứ, UBND thành phố đã cho phép huyện Chương Mỹ được vận chuyển rác thải về bãi rác Xuân Sơn (Sơn Tây), Nam Sơn (Sóc Sơn) để xử lý. Song, cả 2 khu xử lý rác thải tập trung của thành phố kể trên cũng đang quá tải, nên lượng rác thải trên địa bàn Chương Mỹ được vận chuyển đi xử lý rất hạn chế, bởi vậy lượng rác tồn ứ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện còn khá lớn, nhất là các xã ở vùng sâu, vùng xa, không gần trục quốc lộ 6A.
Bãi tập kết rác tạm thời bên tuyến huyện lộ thuộc địa bàn thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) |
Trước thực trạng đó, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Chương Mỹ thực hiện biện pháp thu gom, tập kết và xử lý tạm thời tại các xã, thị trấn đến khi có khu xử lý rác thải tập trung sẽ vận chuyển về nơi xử lý. Trên tinh thần đó, cuối năm 2009, UBND huyện đã phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt tạm thời trên địa bàn huyện. Theo đó, có 31/32 xã, thị trấn đăng ký xây dựng hố chứa rác thải tạm thời với tổng số 50 hố, trong đó có 5 xã đăng ký xây dựng 3 hố; 8 xã đăng ký xây dựng 2 hố; 19 xã đăng ký xây dựng 1 hố. Đến nay, toàn huyện Chương Mỹ đã có 20 xã, thị trấn xây dựng được 27 hố chứa rác thải sinh hoạt tạm thời, với tổng dung tích 14.000 m3 (đạt 56% so với đề án). Lượng rác thải đã thu gom và tập kết tại các hố chứa trên địa bàn các xã là 14.136 m3, tương ứng 6.500 tấn.
Vẫn chưa hết “nóng”
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đăng Hùng, Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tạm thời của huyện Chương Mỹ đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn ứ rác thải không có nơi xử lý, bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, hầu hết các hố chứa rác đang sử dụng chưa được xử lý môi trường như phun chế phẩm EM, rắc vôi bột… dẫn đến tình trạng ô nhiễm tại hố chứa rác. Trên thực tế, một số xã như Hòa Chính, Hồng Phong chọn vị trí hố rác thấp, trũng, không khoanh vùng đảm bảo để ngập úng hố rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực. Đến tháng 11- 2010, mặc dù tại 8 xã: Tiên Phương, Trường Yên, Lam Điền, Hợp Đồng, Quảng Bị, Đồng Phú, Hữu Văn và Trung Hòa hố rác chứa đã đầy 100% nhưng chưa đóng bãi theo quy trình. Thực trạng này gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó, ở một số địa phương chưa tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt triệt để. Cộng thêm, ý thức bảo vệ môi trường của một số người dân chưa cao, tình trạng vứt rác bừa bãi vẫn còn xảy ra, đặc biệt ở những khu chợ, khu vực hoạt động sản xuất kinh doanh, gây khó khăn cho công tác thu gom và làm mất mỹ quan, như: khu vực chợ Đông Phương Yên (quốc lộ 6A); khu vực chợ Gốt thuộc xã Đông Sơn; tỉnh lộ 419 đoạn qua địa phận xã Hợp Đồng; khu vực 308 thuộc Đồng Vai (thị trấn Xuân Mai)…
Những hố tập kết rác tạm thời như thế này ở Chương Mỹ (Hà Nội) không thể đảm bảo vệ sinh môi trường! |
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đảm, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ cho biết, hầu hết các xã trên địa bàn huyện khi xây dựng hố tập kết rác thải tạm thời đều phải bố trí ở khu đất công, bởi nếu bố trí ở khu đất khác sẽ rất khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do thiếu kinh phí (theo Quyết định số 50/2010/QĐ-UBND ngày 9-10-2010 của UBND thành phố Hà Nội, thì ngân sách thành phố hỗ trợ xây dựng các điểm tập kết rác thải tập trung của xã với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/xã, phần còn thiếu ngân sách huyện, xã tự cân đối). Do vậy, trên thực tế đang diễn ra một nghịch lý khi xây dựng các hố tập kết rác tạm thời ở Chương Mỹ, đó là nếu xây dựng tại khu đất công thì không tiện đường giao thông, hoặc gần khu dân cư, không đáp ứng được điều kiện của hố tập kết rác tạm thời, còn để đáp ứng được các điều kiện theo quy định, thì xã, huyện lại thiếu kinh phí để GPMB những khu đất khác.
“Điểm xử lý rác thải tập trung của huyện (ô, bãi xử lý chôn lấp rác thải hợp vệ sinh) phải đảm bảo các điều kiện sau: Phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Khoảng cách an toàn đến khu vực dân cư tập trung, trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa xã hội, di tích lịch sử, trung tâm công nghiệp, các nguồn nước, sông, hồ tối thiểu là 500m. Có điều kiện địa chất, thủy văn phù hợp, không nằm trong khu vực thường xuyên bị ngập sâu trong nước, vùng phân lũ của các lưu vực sông, không nằm ở vị trí đầu nguồn nước. Diện tích tối thiểu cho các điểm xử lý rác thải tập trung của huyện xây mới là 5.000 m2”. |
Đến thời điểm này, 1/3 hố các tập kết rác tạm thời của các xã trên địa bàn Chương Mỹ đã lấp đầy (trong đó đa phần là hố có dung tích 900- 1.600 m3). Như vậy, trong năm 2011, bên cạnh thực hiện xây dựng hố chứa rác thải tạm thời tại các xã, thị trấn chưa có, thì nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ phải tiếp tục xây dựng những hố chứa rác mới. Điều đó cũng có nghĩa nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hố tập kết rác sẽ tăng lên, chứ không chỉ dừng ở con số hơn 6,7 tỷ đồng như dự toán ban đầu.
Vẫn biết việc xây dựng các hố tập kết rác tại các xã của huyện Chương Mỹ chỉ là biện pháp tình thế. Nhưng, thực tế thời gian qua đã bộc lộ những bất cập và hạn chế. Bên cạnh đó, đối với 12 xã, thị trấn còn lại chưa xây dựng được hố tập kết rác thải tạm thời, thì hiện nay rác thải sinh hoạt vẫn đang bị ứ đọng không có nơi xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Bởi thế, rõ ràng việc xây dựng điểm xử lý rác thải tập trung của huyện là rất cần thiết và triển khai thực hiện càng sớm càng tốt.
Về vấn đề trên, ông Đảm cho biết, thực hiện quyết định 50 của thành phố, huyện đã đi khảo sát và tìm được một vài vị trí để xây dựng điểm xử lý rác thải tập trung nhưng lại vướng quy hoạch xây dựng khu đô thị. Đến nay, huyện đã tìm được 1- 2 điểm khác đáp ứng được các điều kiện theo quy định của thành phố, nhưng còn phải chờ triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng thì mới tiến hành xây dựng được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.