(HNM) - Dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng thực tế hiện nay ở các vùng nông thôn Hà Nội vẫn tồn đọng lượng lớn rác thải sinh hoạt trong khu dân cư. Vì sao xảy ra tình trạng này và giải pháp nào để khắc phục luôn là bài toán khó?
Trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác thải thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên. |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khu vực ngoại thành hiện mỗi ngày phát sinh 2.175 tấn rác thải sinh hoạt. Để xử lý khối lượng rác này, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hỗ trợ kinh phí; hầu hết các xã, thị trấn đã thành lập tổ vệ sinh, bố trí quỹ đất làm bãi chứa, ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ môi trường để thu gom, duy trì, vận chuyển, xử lý… Tuy nhiên, do một số công trình của thành phố đang trong giai đoạn đầu tư, hoàn thiện nên không thể đáp ứng nhu cầu xử lý rác của tất cả các huyện. Đơn cử, năm qua, mỗi ngày huyện Chương Mỹ phát sinh 220 tấn rác nhưng chỉ được phân luồng về khu xử lý tập trung của thành phố là 90 tấn; tương tự huyện Đông Anh phân luồng xử lý được 92/180 tấn, Thường Tín 85/160 tấn, Gia Lâm 92/170 tấn… Vì vậy, trên địa bàn 17 huyện mỗi ngày tồn đọng gần 670 tấn rác thải sinh hoạt…
Để giảm áp lực cho các khu xử lý tập trung của Hà Nội, khắc phục ô nhiễm môi trường từ lượng rác tồn lưu… thành phố đã có chủ trương giao các huyện áp dụng công nghệ tiên tiến để xử lý rác tại chỗ. Thanh Oai và Phú Xuyên là huyện tiên phong thực hiện chủ trương này đã tạo thuận lợi cho Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nam Thăng Long triển khai dự án xây dựng trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác ở xã Cao Dương và thị trấn Phú Minh. Phó Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Duy Tuấn cho biết: Thay vì đưa thẳng đến các khu xử lý tập trung của thành phố, rác sẽ được đưa về trạm trung chuyển để phân loại trên máy sàng tự động. Nhờ dây chuyền tự động nên giảm được số công nhân phải phân loại rác thải bằng tay. Vì trang bị hệ thống phun sương chế phẩm sinh học khử mùi hoạt động liên tục nên môi trường làm việc của công nhân cũng như xung quanh trạm được cải thiện. Qua băng sàng, rác sẽ được phân ra thành các nhóm: Hữu cơ (rau, củ, quả…); các chất thải nguy hại (bóng đèn, pin, ắc quy…); các chất trơ (chai lọ thủy tinh, mảnh sành sứ, xỉ than…). Sau khi được phân loại, các nhóm rác này sẽ được đưa đi đốt, làm vật liệu san lấp hoặc tái chế.
Theo dõi quá trình phân loại rác sinh hoạt nông thôn trên địa bàn Thanh Oai và Phú Xuyên cho thấy, chỉ khoảng 56% khối lượng rác phải vận chuyển đến các khu xử lý tập trung của thành phố; 1,5% khối lượng rác là chất trơ được chôn lấp tại chỗ và 42,5% khối lượng rác hữu cơ sau khi xử lý bằng công nghệ sinh học sẽ chế biến thành nguyên liệu sản xuất phân bón cho cây trồng hoặc dùng để cải tạo đất cằn, bạc màu. Theo ông Nguyễn Duy Tuấn, phương pháp phân loại, xử lý rác tại chỗ mang lại hiệu quả rõ nhất là toàn bộ lượng rác thải phát sinh hằng ngày được thu gom, vận chuyển, xử lý kịp thời; hạn chế tối đa nước rỉ rác rơi vãi trên đường khi mang đi đốt, chôn lấp; giảm chi phí vận chuyển… Tính riêng địa bàn Thanh Oai, mỗi quý, mô hình phân loại rác tại chỗ đã tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng.
Hiệu quả đạt được của hai trạm trung chuyển - phân loại - xử lý rác thải tại xã Cao Dương và thị trấn Phú Minh sẽ là kênh tham khảo giá trị để Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy trình - định mức - đơn giá cho công tác vệ sinh môi trường khu vực nông thôn Hà Nội; đồng thời sẽ đề xuất thành phố cho nhân rộng ra các huyện khác trong thời gian tới.
Bốn xã ở Chương Mỹ chưa có điểm tập kết rác thải Ngày 16-2, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Lã Văn Tùng cho biết, do chưa bố trí được quỹ đất phù hợp yêu cầu nên hiện nay trên địa bàn huyện còn 4/32 xã, thị trấn chưa xây dựng được điểm tập kết rác thải sinh hoạt theo tiêu chuẩn là Phụng Châu, Tiên Phương, Tân Tiến và Phú Nam An. Năm 2016, Chương Mỹ sẽ tập trung giải quyết dứt điểm tồn tại này; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất hoạt động chấp hành pháp luật lĩnh vực tài nguyên, môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.