(HNM) - Theo quy định, nước thải từ hệ thống thoát nước khu đô thị, nhà chung cư khi xả vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ TN&MT ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm...
Con mương cuối đường Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm) quanh năm nước chảy đen ngòm, bốc mùi xú uế. Vào giờ cao điểm, nước từ cống ngầm chảy cuồn cuộn đổ ra sông Nhuệ, hòa vào sự ô nhiễm đặc trưng của dòng sông “chết”. Chỉ tay vào KĐT Sudico phía đối diện, một số hộ dân cho rằng “thủ phạm” của dòng nước đen chính là nơi đó… Ông Đào Tăng Quýnh, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Trên địa bàn phường có rất nhiều dự án nhà ở, KĐT lớn như: Keangnam, KĐT Mễ Trì Hạ, dự án nhà ở 7,5ha… với hàng nghìn hộ dân nhưng không có trạm xử lý nước thải tập trung. Các KĐT, tòa chung cư xử lý nước thải qua hệ thống bể tự hoại, sau đó chảy vào hệ thống thoát nước, đổ vào mương Đồng Bông 2 rồi xuôi ra sông Nhuệ.
Trên diện tích quy hoạch trạm xử lý nước thải tại KĐT Văn Phú (Hà Đông) vẫn là bãi đất trống. |
Tương tự, Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thăng Long khẳng định, dự án KĐT Định Công rộng 35ha cũng không có trạm xử lý nước thải cho dù các tòa nhà đã lấp đầy các hộ dân sinh sống từ nhiều năm nay. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các cơ sở không liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung phải có hệ thống xử lý nước thải riêng. Trong quá trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án, các CĐT đều thiết kế trạm xử lý nước thải nhưng số dự án được đưa vào vận hành trên thực tế không nhiều. Chưa kể, nhiều KĐT xây dựng trước năm 2005 như: Linh Đàm (Hoàng Mai), Nam Trung Yên (Cầu Giấy), Văn Quán (Hà Đông)… đều không có trạm xử lý nước thải.
Nhiều người cho rằng nguồn nước thải kể trên chỉ là nước thải sinh hoạt thông thường nên không đáng lo ngại, song điều này chưa chính xác. Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và Môi trường) giải thích: Đặc tính chính của nước thải sinh hoạt là chứa nhiều chất hữu cơ; khi nước thải sinh hoạt không xử lý đạt chuẩn nhưng vẫn trực tiếp xả ra môi trường sẽ gây ô nhiễm, thậm chí gây suy thoái nguồn nước mặt, nước ngầm và làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đến vi sinh vật, sinh vật... Là đơn vị chuyên xử lý nước thải, ông Nguyễn Viết Hưng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xanh và Xanh Thăng Long cho biết: Các con sông trên địa bàn thành phố như: Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, Nhuệ đều là đầu ra của hệ thống thoát nước thải các khu dân cư. Vì nước thải trong nhiều KĐT không xử lý đúng quy trình nên các con sông ngày càng ô nhiễm.
Thực trạng này ngày càng gia tăng vì không ít CĐT đã cắt bớt công đoạn, hạn chế kinh phí cho việc xử lý nước thải; trong khi đó đa số người dân lại coi việc xử lý xả thải không phải là trách nhiệm của mình. Nếu tất cả các KĐT, nhà chung cư đều có hệ thống xử lý nước thải tại chỗ thì nguồn nước thải sẽ được kiểm soát ngay tại mỗi công trình, khi xả ra hệ thống thoát nước chung chất lượng sẽ bảo đảm. “Chi phí dành cho công tác xử lý nước thải tại các nhà chung cư không quá lớn. Ví dụ, với một tòa chung cư khoảng 2.000 người sinh sống, nếu hệ thống xử lý nước thải được lắp đặt ngay từ khi công trình xây dựng thì khi đi vào vận hành, mỗi người chỉ phải trả dịch vụ xử lý nước thải khoảng 10.000 đồng/tháng. Đây là số tiền không quá nhiều nhưng đổi lại môi trường sống sẽ bền vững” - ông Hưng cho biết thêm.
Với sự quan trọng của việc xử lý nước thải, cơ quan có thẩm quyền đã thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các CĐT xây dựng hệ thống xử lý nước thải của dự án. Song, theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, do việc đầu tư xây dựng và quản lý vận hành trạm xử lý nước thải tốn kém, nên các CĐT cố tình trì hoãn xây trạm xử lý nước thải, chỉ tập trung xây nhà ở để kinh doanh và có tâm lý chờ khi nào đông dân cư về sinh sống mới xây dựng trạm. Bên cạnh đó, một số vị trí đất quy hoạch trạm xử lý nước thải chưa giải phóng được mặt bằng dẫn đến việc xây dựng trạm xử lý nước thải bị chậm.
Còn đó những nỗi lo
Trên địa bàn thành phố hiện có 15 KĐT đã cơ bản hoàn thành và 299 dự án đang thực hiện đầu tư. Trước đây, các nhà chung cư cao tầng độc lập, khi phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án thường chưa có trạm xử lý nước thải riêng. Nước thải sau khi xử lý qua hệ thống bể tự hoại của các công trình thường được chảy ra hệ thống thoát nước chung. Từ khi Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực (1-7-2006), hầu hết các dự án KĐT khi phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án đều có trạm xử lý nước thải riêng. Với trường hợp không bố trí trạm xử lý nước thải riêng, thì sau khi xử lý qua hệ thống bể tự hoại của các công trình sẽ được dẫn về trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố hoặc khu vực để xử lý. Tuy nhiên, hệ thống trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố đến nay cũng chưa hoàn thiện; hiện thành phố có 6 trạm xử lý nước thải với tổng công suất thiết kế khoảng 264.000m3/ngày, đêm đã xây dựng xong và đưa vào vận hành; 5 trạm chuẩn bị đầu tư và đang xây dựng với tổng công suất thiết kế khoảng 396.000m3/ngày, đêm.
Trong khi hệ thống thoát nước thải và nước mưa chưa được tách biệt đồng bộ; trạm xử lý nước thải trong các KĐT, nhà chung cư chưa được thực hiện đầy đủ thì công tác kiểm tra, giám sát hệ thống xử lý nước thải cũng còn nhiều điều đáng bàn. Trung tá Khúc Thị Bạch Liên, Đội trưởng Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Hà Đông cho biết: Đối với các dự án KĐT, nhà chung cư đã đi vào hoạt động, việc thực hiện các nội dung trong Đề án bảo vệ môi trường cũng chưa được CĐT thực hiện đầy đủ như: Xây dựng khu vực xử lý nước thải không đạt chuẩn dẫn tới nước thải ra môi trường vượt chuẩn; giấy phép xả thải hết hạn… Vì Đội không có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, nên khi trinh sát thấy có hành vi này, Đội chỉ làm công văn báo cáo cơ quan chức năng, chờ thành lập đoàn kiểm tra nên nhiều khi vi phạm không được xử lý kịp thời.
Là đơn vị có nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cũng gặp nhiều vướng mắc. “Từ năm 2015, Chi cục tập trung kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về môi trường của các KĐT và nhà chung cư, song do lực lượng mỏng, không đủ để kiểm tra toàn bộ các công trình xây dựng. Mặt khác, thanh tra là một trong những công cụ để kiểm soát ô nhiễm nhưng Chi cục lại không có chức năng này nên cũng gặp nhiều khó khăn”, ông Mai Trọng Thái cũng chia sẻ.
Để những quy định về môi trường được thực hiện nghiêm, trước mắt các cơ quan chức năng cần đôn đốc CĐT các KĐT phải thực hiện đúng quy hoạch xây dựng trạm xử lý nước thải; xử phạt nghiêm những chủ đầu tư cố tình trì hoãn không xây dựng trạm. Bên cạnh đó, yêu cầu CĐT hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đi đôi với hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; bổ sung quy hoạch đối với những KĐT chưa có trạm. Áp dụng quy định Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, yêu cầu CĐT không được bàn giao nhà cho khách hàng khi dự án chưa xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.