Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp - cụm công nghiệp Hà Nội: Bài toán chưa có lời giải

Tuấn Lương| 29/11/2013 06:29

(HNM) - Theo các cơ quan chức năng, tính đến thời điểm này mới có chưa tới 10% số khu công nghiệp - cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.



Thậm chí, ngay tại các đơn vị đã đầu tư hệ thống cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Chủ đầu tư thờ ơ, né tránh nhiệm vụ, người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước lại mờ nhạt…

Việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp - cụm công nghiệp Hà Nội vẫn là một bài toán khó. Ảnh: Khánh Nguyên


Hai năm vẫn một số liệu

Cách đây chừng hai năm, một báo cáo về tình hình triển khai hệ thống XLNTTT tại các KCN-CCN trên địa bàn Hà Nội đã nêu rõ, trong số 83 KCN-CCN đã hoạt động mới có 7 KCN-CCN có hệ thống XLNTTT được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đạt tiêu chuẩn. Tháng 11-2013, trong một báo cáo khác được các sở, ngành liên quan công bố, số KCN-CCN đã có hệ thống xử lý vẫn chỉ dừng ở con số 7. Ngoài ra, 9 CCN đang triển khai xây dựng; 67 CCN chưa đầu tư hệ thống XLNTTT. Điều đáng nói, trong số 67 cụm này, 27 cụm không có quỹ đất để xây dựng trạm XLNTTT và hàng chục cụm không có quy hoạch hệ thống này.

Ngay cả với các KCN-CCN đã có hệ thống XLNTTT, môi trường vẫn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do tỷ lệ nước thải tại các CCN này được xử lý đạt thấp. Chẳng hạn, với KCN Thạch Thất - Quốc Oai, từ lâu địa điểm này đã được lấp đầy bởi các doanh nghiệp (DN) sản xuất bánh, mứt, kẹo, xà phòng, bia, rượu, nước giải khát… Nhà máy xử lý nước thải tại đây được xây dựng áp dụng công nghệ na-nô. Dù được đánh giá là công nghệ tiên tiến, nhưng công suất xử lý của nhà máy này chỉ ở mức 1.500m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải của cả KCN luôn ở mức hơn 10.000m3/ngày đêm. Hơn 8.500m3 nước thải mỗi ngày còn lại không được xử lý sẽ xả đi đâu nếu không phải là trực tiếp ra môi trường. Đây chính là câu hỏi mà lãnh đạo chính quyền và nhân dân địa phương đặt ra trong nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri thời gian qua.

KCN Quang Minh (huyện Mê Linh) nhiều năm nay cũng là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nhà máy XLNT của KCN này (giai đoạn 1) có công suất chỉ 3.000m3/ngày đêm, quá nhỏ so với nhu cầu. Trước đây, có lần đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã phát hiện 62/75 DN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Những lúc căng thẳng nhất, nhiều người dân sống tại thị trấn Quang Minh và xã Tiền Phong đã vác cuốc, xẻng tới lấp cống thoát nước của KCN. DN thuê đất trong KCN cho rằng, họ chỉ có trách nhiệm trả phí xả thải, nhưng chủ đầu tư lại yêu cầu DN phải trả chi phí đầu tư hạ tầng. Mâu thuẫn khó giải quyết nên DN cứ ngày này qua ngày khác vi phạm. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều KCN-CCN khác trên địa bàn Thủ đô.

Mục tiêu xa vời

Để xảy ra tình trạng thiếu trầm trọng các nhà máy, các trạm XLNTTT dẫn tới môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng, lỗi trước tiên chính là các đơn vị chủ đầu tư KCN-CCN chỉ quan tâm đến cho thuê đất mà không hoàn chỉnh đầy đủ cơ sở hạ tầng. Nhưng, không thể không nhắc đến vai trò quản lý nhà nước của các sở, ngành liên quan, mà ở đây là các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đến nay hàng chục CCN sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn không có nhà máy XLNTTT, thiếu đất để bố trí trạm xử lý. Hàng chục CCN khác thậm chí trong quy hoạch còn "quên" hạng mục lẽ ra cần phải có là trạm XLNTTT.

Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan lập đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNTTT tại các KCN-CCN trên địa bàn giai đoạn năm 2012-2015. Mục tiêu của đề án này là đến năm 2015 và những năm tiếp theo, 100% CCN đã hoạt động ổn định có hệ thống XLNTTT đạt tiêu chuẩn. Trong đó, năm 2013 tập trung thực hiện tại 14 CCN với tổng vốn đầu tư hơn 92 tỷ đồng; năm 2014 thực hiện 18 CCN với tổng vốn đầu tư hơn 83 tỷ đồng; năm 2015 thực hiện 20 CCN với tổng vốn đầu tư khoảng 105 tỷ đồng. Đề án cũng chỉ rõ, với 28 CCN đã có quỹ đất nằm trong quy hoạch thì tập trung triển khai trong năm 2013-2014; với 27 CCN không còn quỹ đất xây dựng hệ thống XLNTTT cần lập phương án điều chỉnh quy hoạch để có diện tích bố trí trạm XLNT.

Mục tiêu rất rõ ràng, nhưng đến nay đã gần hết năm 2013, mọi sự vẫn không tiến triển là bao. Một số ý kiến giải thích, sự chậm trễ trên là do khó khăn về vốn nên những dự định của năm 2013 đành chuyển sang năm 2014. Với những số liệu y nguyên sau hai năm như trên, cộng với sự trì trệ như thời gian qua, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng mục tiêu 100% CCN đã đi vào hoạt động ổn định sẽ có hệ thống XLNTTT đạt chuẩn vào năm 2015 còn rất xa vời. Lại nhớ lời cảnh báo của một chuyên gia khi đề cập tới hệ thống XLNTTT tại các KCN-CCN của Hà Nội: Các KCN-CCN đều hoạt động đa ngành nghề, cho nên chất thải có đủ loại, đòi hỏi có phương pháp xử lý riêng... Riêng chất thải lỏng cũng đã là một hỗn hợp phức tạp, rất khó có một công nghệ xử lý chung. Trong khi đó, các hệ thống đã hoạt động vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ vi sinh, chỉ xử lý hiệu quả với nước thải sinh hoạt, chưa thể xử lý tốt nước thải chứa nhiều dầu mỡ hoặc các thành phần hóa học khác... Do đó, bài toán bảo vệ môi trường tại các KCN-CCN của Hà Nội sẽ còn nan giải và nhiều năm nữa e là vẫn chưa có lời giải.

Ở các KCN-CCN, tình trạng vi phạm các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường còn khá phổ biến; nhiều chủ đầu tư chưa thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống XLNTTT cùng với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác; ý thức chung bảo vệ môi trường, công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa triệt để…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp - cụm công nghiệp Hà Nội: Bài toán chưa có lời giải

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.