Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nợ xấu: Cần chế tài pháp lý cụ thể

Đức Anh| 13/06/2015 06:35

(HNM) - Nợ xấu vốn bị coi là

Sau thời kỳ tăng trưởng tín dụng quá cao, hệ thống ngân hàng đã phải gánh một khoản nợ xấu kếch xù. Bởi vậy, xử lý nợ xấu là việc quan trọng để nền kinh tế có thể hồi phục, nhưng giải quyết nợ xấu vẫn cần chế tài pháp lý cụ thể. Đây là vấn đề đã được thảo luận tại hội thảo "Giảm trừ và giải quyết nợ xấu 2015 dưới góc nhìn pháp lý" do Hội Luật gia phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 12-6 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa


Tính đến đầu năm 2015, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 3,49% trên tổng dư nợ, cao hơn so với cuối năm 2014 là 3,25%. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã mua được 133.555 tỷ đồng nợ xấu gốc với giá mua 108.652 tỷ đồng của 39 tổ chức tín dụng, nhưng đến nay mới xử lý thu hồi được hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1/20 tổng số nợ xấu đã mua từ các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đưa nợ xấu về mức 3% vào cuối năm 2015, đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống ngân hàng.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thời gian qua cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó xử lý dứt điểm do khuôn khổ pháp lý của nước ta chưa hoàn thiện, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển, nên không có nguồn vốn để xử lý nợ xấu.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, ngoài rào cản về nguồn lực, tài chính để mua và xử lý nợ xấu, những quy định pháp lý chưa phù hợp với thực tiễn cũng khiến cho VAMC lúng túng, không thể đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu đã mua. Vì vậy, cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động của VAMC nói chung, cũng như hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng. Trong đó, quan trọng nhất là hợp lý hóa quy trình thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp liên quan đến những khoản nợ xấu mà tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC, kể cả quy trình thủ tục khởi kiện và thi hành án dân sự trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Về vướng mắc của VAMC, TS Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC cũng thừa nhận, thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC để tìm hiểu thực tế hoạt động, khuôn khổ pháp lý trong việc triển khai xử lý nợ, bán các khoản nợ xấu đã mua bằng tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam với các vấn đề liên quan, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản bảo đảm…; đến nay, chưa có nhà đầu tư nào đặt vấn đề mua lại nợ xấu. Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Hội Luật gia Việt Nam), 70% rào cản xử lý nợ xấu là do các vướng mắc pháp lý, trong đó, việc xử lý tài sản bảo đảm gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc được khởi kiện ra tòa, nhưng do sự chây ỳ, không hợp tác của người vay nợ nên vụ việc kéo dài nhiều năm mà không thể giải quyết dứt điểm. Để tháo gỡ xung đột cần phải có luật riêng về xử lý nợ xấu.

Xử lý nợ xấu cần phải có một chế tài, quy định riêng, nhưng không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành ngân hàng. TS Vũ Đình Ánh cho rằng, muốn xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực của riêng ngành ngân hàng mà còn cần sự tham gia tích cực của các đơn vị có liên quan. NHNN nên đóng vai trò đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có liên quan như các bộ: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng để chỉnh sửa các quy định có liên quan từ Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở đến các văn bản hướng dẫn dưới luật nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp, góp phần giải quyết dứt điểm nợ xấu, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của chủ nợ và người vay nợ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nợ xấu: Cần chế tài pháp lý cụ thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.