(HNM) - Hà Nội đạt được kết quả nhất định trong việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) với khởi đầu tại quận Thanh Xuân. Một trong những cơ sở quan trọng thúc đẩy việc này là Thành ủy đã có chỉ đạo xử lý trách nhiệm cán bộ để phát sinh nhà SMSM. Tinh thần ấy cần được quán triệt thường xuyên để ngăn chặn tình trạng tái xuất hiện nhà SMSM.
Thiếu trách nhiệm từ cơ sở…
Hà Nội có nhiều nhà SMSM là vì một số địa phương chưa thực hiện đúng chức trách trong việc ngăn chặn các hộ dân xây dựng trên những thửa đất "xép" (không đúng quy định) còn lại sau giải phóng mặt bằng. Mặc dù UBND TP đã có quy định rất cụ thể về việc này (Quyết định 26/2005/QĐ-UBND được ban hành năm 2005), nhưng những ngôi nhà SMSM xây dựng không phép cao 4-5 tầng vẫn cứ mọc lên ngay giữa ngã ba, ngã tư, mặt phố. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhiều lần phê bình các địa phương về điều này. "Năm 2005 thành phố đã có quy định thu hồi những mảnh đất dẹt khi giải tỏa, song nhiều nơi đã không thực hiện nghiêm túc quyết định này" - Phó Chủ tịch UBND TP Phí Thái Bình cho biết.
Bên cạnh những hạn chế về cơ chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất (không thu hồi diện tích đất hai bên đường hoặc không thu hồi đất làm đường kiểu "răng cưa"), sự buông lỏng trách nhiệm quản lý của chính quyền, đặc biệt là cấp quận, huyện là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nhà SMSM. Nếu quy định về trật tự xây dựng được thực hiện nghiêm khắc, những ngôi nhà SMSM xây dựng không phép đã không có cơ hội hình thành, khiến dư luận "chướng tai, gai mắt"; số tiền đền bù xử lý nhà SMSM hiện nay cũng không lên tới hàng chục tỷ đồng như con số tạm tính của một vài quận, huyện.
Vấn đề nhà SMSM là ví dụ điển hình cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính khiến việc đơn giản hóa phức tạp về sau. Hệ lụy rất rõ: chính quyền địa phương vẫn phải thực thi nhiệm vụ xóa nhà SMSM mà họ đã "thả lỏng" trước đây và điều đó gây tốn kém cho ngân sách địa phương và làm tổn hại lợi ích của người dân. Việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ để phát sinh nhà SMSM như chỉ đạo của Thành ủy là rất cần thiết nhằm siết chặt kỷ cương, hạn chế tổn thất phát sinh từ sự thiếu trách nhiệm của cán bộ. Điều này phù hợp với trọng tâm đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cán bộ đã được Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV xác định.
Gắn trách nhiệm với cấp chính quyền
Theo chỉ đạo của Thành ủy, các quận, huyện, thị xã phải xem xét xử lý trách nhiệm cán bộ, công chức được giao quản lý nhà nước về xây dựng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, song song với việc rà soát, lập kế hoạch xóa toàn bộ nhà SMSM hiện có và ngăn chặn nhà SMSM mới phát sinh.
Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm cán bộ trong trường hợp này cũng không hề dễ dàng về mặt thời gian và quy trình thực hiện. Một cán bộ ngành nội vụ cho biết, quy trình xử lý trách nhiệm qua nhiều bước, ngay cả khâu đầu tiên là xác định thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm cũng mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi có chuyên môn. Đó là chưa kể, các quy định ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu hiện nay chưa rõ ràng và đầy đủ, nên căn cứ để thực hiện việc này càng trở nên khó khăn, đòi hỏi quyết tâm lớn của cơ quan chỉ đạo và cơ quan thực hiện. Các địa phương thường kéo dài thời gian triển khai yêu cầu xử lý của cấp TP, nên tính hiệu quả, răn đe rất thấp. Chỉ khi nào có nhận thức chung rằng việc xử lý trách nhiệm là việc không thể không làm nếu muốn kỷ cương, kỷ luật công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước được tăng cường, thì việc này mới có thể được triển khai khẩn trương, có kết quả.
Nhìn nhận lại thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự xây dựng đô thị đã được thành phố quan tâm đầu tư từ phát triển lực lượng thanh tra xây dựng đến tổ chức cưỡng chế các vụ vi phạm nghiêm trọng. Việc cắt ngọn nhiều công trình lớn, tưởng chừng như khó có thể làm được, đã được thực hiện thành công. Một số cán bộ có liên quan đã bị kỷ luật. Đây là minh chứng cho thấy rằng, khi có sự chỉ đạo sát sao, yêu cầu đặt ra cụ thể và có hậu kiểm thường xuyên, TP hoàn toàn có thể ngăn chặn sự tái xuất hiện những ngôi nhà SMSM. Nhưng kỷ cương chỉ có thể được duy trì, khi cơ chế xử lý trách nhiệm đối với cán bộ được thiết lập chặt chẽ và được áp dụng thường xuyên, rộng rãi. Ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định: Có đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm những vị có thẩm quyền, có trách nhiệm để phát sinh nhà SMSM. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể mất mát nhưng chắc chắn sự được nhiều hơn mất. Nhà SMSM không còn, đô thị phát triển văn minh, cái được lớn nhất là lòng tin của nhân dân đối với chính quyền các cấp.
Xét cho cùng, việc đổi mới cách làm giải phóng mặt bằng, thu hồi đất vẫn là quan trọng nhất nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nhà SMSM. Trong đó, chủ trương thu hồi diện tích hai bên mặt đường khi làm đường mới cần được thực hiện triệt để. Cách thu hồi, giải phóng mặt bằng theo thửa đất (chứ không phải theo chỉ giới, để không phải cắt xén các thửa đất) cần được nghiên cứu vận dụng.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: "Hà Nội quyết tâm giải quyết tận gốc và triệt để tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo trên các tuyến đường. Khi phát sinh trường hợp nhà siêu mỏng thì UBND các quận, thị xã, huyện phải chịu trách nhiệm." |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.