Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Kiên quyết vào cuộc, bảo đảm tiến độ

Đà Đông| 30/07/2013 05:53

(HNM) - Việc giải quyết nhà



Hơn một năm sau thời điểm đoàn giám sát, chỉ còn 3/527 trường hợp vi phạm TTXD chưa được xử lý. Tuy nhiên, việc giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo" và các trường hợp vi phạm về đất đai đang gặp nhiều khó khăn, khó có thể giải quyết dứt điểm trong quý III năm 2013.

Nhà siêu mỏng trên phố Đào Tấn. Ảnh: Như Ý


Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm dần

Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Phan Văn Bảo cho biết, hơn một năm qua, sau 4 đợt xử lý các trường hợp vi phạm TTXD gây bức xúc trong dư luận và các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng, đến nay trong tổng số 527 trường hợp vi phạm TTXD tồn đọng (được báo cáo từ đợt giám sát trước) chỉ còn 3 trường hợp đang tiếp tục giải quyết. Đó là các công trình tại phường Phương Mai (Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (Thanh Xuân), phường Yết Kiêu (Hà Đông).

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học cho biết thêm, với quyết tâm lập lại trật tự kỷ cương xây dựng, từ tháng 7-2012 đến nay, công tác bảo đảm TTXD trên địa bàn Hà Nội đã từng bước đi vào nền nếp. Ngoài 3 trường hợp tồn đọng nêu trên, số vụ việc phát sinh không nhiều. Các vi phạm cũng đã được phát hiện kịp thời và hiện tượng làm qua loa, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong xử lý vi phạm đã giảm hẳn. Trong năm qua, các cấp, ngành đã nghiêm túc xử lý 142 trường hợp cán bộ, công chức (chiếm gần 10% lực lượng) buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm TTXD, trong đó khiển trách 44 trường hợp, cảnh cáo 30 trường hợp, cách chức 4 trường hợp, bãi nhiệm 2 trường hợp, buộc thôi việc 5 trường hợp và xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác 57 trường hợp.

"Tắc" trong xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo"

Không đạt kết quả khả quan như trong lĩnh vực quản lý TTXD, theo nhận định của Đoàn giám sát, việc xử lý 261 trường hợp vi phạm đất đai, 394 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" đang bế tắc.

Báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, tính đến 26-6-2012, tổng số nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn tại là 394 trường hợp. Qua 4 đợt triển khai, đến nay toàn thành phố đã xử lý 203/394 trường hợp (đạt 52%). Hiện còn 191 trường hợp tại 9 quận, huyện: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Hoài Đức chưa được giải quyết. Đối với 261 trường hợp vi phạm đất đai, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện mới chỉ có 3/12 quận, huyện là Thanh Xuân, Sóc Sơn, Đan Phượng báo cáo kết quả thực hiện. Lo ngại tiến độ xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", các trường hợp vi phạm quản lý đất đai tồn đọng khó có thể giải quyết xong trong quý III năm nay, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân của sự chậm trễ này.

Trước ý kiến của Đoàn giám sát, đại diện Sở Xây dựng đã đưa hàng loạt lý do khiến tiến độ xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo" chưa như mong muốn và khó dứt điểm, đó là: Các cấp, ngành khó vận động người dân tự thỏa thuận hợp khối, hợp thửa (điển hình là ở quận Ba Đình, toàn bộ 69 trường hợp đang giải quyết đều nằm ngoài chỉ giới mở đường tồn tại từ trước ngày 15-3-2005 đến nay). Mặt khác, số diện tích này các hộ dân đã sử dụng trong thời gian dài, ổn định, hiện đang là nơi ở, kinh doanh của các hộ và tồn tại trước khi có Luật Xây dựng cũng như Quyết định số 39/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, việc áp dụng chính sách, cơ chế thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng không được các hộ dân đồng thuận; một số tuyến đường chưa có đồ án thiết kế đô thị hai bên tuyến đường nên rất khó trong việc xác định chỉ giới đường đỏ.

Khẳng định việc xử lý 261 trường hợp vi phạm quản lý đất đai tồn đọng hoàn toàn thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay mới có 18/261 trường hợp được giải quyết (trong đó, huyện Quốc Oai tồn đọng nhiều nhất với 106 trường hợp; huyện Hoài Đức 46 trường hợp). Hiện Sở đang tích cực rà soát và cố gắng hoàn thành báo cáo xong trước ngày 15-8.

Từ kết quả tái giám sát cho thấy, dù đã có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý TTXD, song việc xử lý các vi phạm đất đai, xóa nhà siêu mỏng, siêu méo còn chuyển biến rất chậm. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc kiên quyết, hiệu quả của các cơ quan chức năng nhằm góp phần bảo đảm diện mạo Thủ đô văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Kiên quyết vào cuộc, bảo đảm tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.