Sau điều chuyển luồng tuyến xe khách tại các bến xe tại Hà Nội gần hai tuần qua, tình trạng xe chạy xuyên tâm đã giảm hẳn, giao thông trên các tuyến đường có bến xe thông thoáng hơn, nhưng “xe dù, bến cóc” lại gia tăng, nhất là khi nhu cầu đi lại của người dân tăng mạnh dịp Tết.
Chấm dứt xe chạy xuyên tâm
Từ ngày 2/1, Hà Nội đồng loạt điều chuyển luồng tuyến xe khách tại các bến xe nhằm hạn chế xe chạy xuyên tâm, gây ùn tắc giao thông. Điều này đã thực sự phát huy hiệu quả cho giao thông nội đô.
26 Sở GTVT và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải khách liên tỉnh địa phương hoạt động trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh luồng tuyến về đúng tuyến bến xe khách.
Nhiều xe khách xuất bến Giáp Bát chỉ có vài khách trên xe. Ảnh: Tiến Hiếu |
Cụ thể, tại bến xe Giáp Bát, các xe đi các tỉnh Hà Giang (2 tuyến), Lai Châu (3 tuyến), Lào Cai (1 tuyếnt), Phú Thọ (13 tuyến), Tuyên Quang (18 tuyến), Yên Bái (11 tuyến) từ bến xe Giáp Bát sẽ về các bến xe Mỹ Đình, tổng số 48 tuyến/ngày. Điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát đi các tỉnh Điện Biên (13 tuyến), Sơn La (1 tuyến) từ bến xe Giáp Bát về bến xe Yên Nghĩa.
Điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Gia Lâm đi tỉnh Sơn La từ bến xe Gia Lâm về Yên Nghĩa (1 tuyến/ngày); điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Bắc Kạn (2 tuyến), Cao Bằng (5 tuyến), Hà Giang (8 tuyến), Lai Châu (6 tuyế)n, Lào Cai (17 tuyến), Phú Thọ (1 tuyến), Thái Nguyên (6 tuyến), Tuyên Quang (14 tuyến), Vĩnh Phúc (5 tuyến), Yên Bái (11 tuyến) từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Mỹ Đình, tổng số 75 tuyến/ngày.
Điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Nước Ngầm đi các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (3 tuyến), Đắc Nông (2 tuyến), Kon Tum (1 tuyến) từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Yên Nghĩa (6 tuyến/ngày); điều chuyển tuyến, phương tiện đang hoạt động tại bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh Nam Định (162 tuyến), Đắc Lắc (4 tuyến), Gia Lai (1 tuyến), Thái Bình (146 tuyến), Thanh Hóa (43 tuyến), Nghệ An (79 tuyến), Hà Tĩnh (5 tuyến) từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, tổng số 440 tuyến/ngày.
Điều chuyển tuyến, phương tiện của các tỉnh Hải Dương (8 tuyến), Hưng Yên (2 tuyến) từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Gia Lâm, tổng số 10 tuyến/ngày; điều chuyển xe từ bến Mỹ Đình đi Hà Nam (20 tuyến) về bến xe Giáp Bát; điều chuyển tuyến, phương tiện từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa với các xe đi Thanh Hóa theo đường Hồ Chí Minh (24 tuyến).
Việc điều chuyển này đã thực sự phát huy hiệu quả lên giao thông thành phố, khi các xe khách không chạy xuyên tâm như trước đây. Đơn cử, như các nhà xe các tỉnh phía Nam chạy cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ không về bến xe Nước Ngầm, mà chạy xuyên tâm thành phố về bến xe Mỹ Đình. Hay các xe từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh về Hà Nội không về bến xe Gia Lâm, mà chạy về bến xe Giáp Bát…
Với biểu đồ chạy hợp lý, nhiều nhà xe từng phản đối việc chuyển tuyến đã bước đầu tuân thủ luồng tuyến chạy mới. Lái xe Hồng Vinh, chạy tuyến Vinh – Hà Nội cho biết, sau khi chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm, chiều dài quãng đường di chuyển trong nội đô giảm xuống không chỉ giúp tiết kiệm chi phí nhiên liệu mà còn giúp giảm ùn tắc giao thông.
Sau đó, các xe khách này không chạy ngay theo lộ trình, mà chạy "rùa bò", hoặc dừng đỗ tại các "bến cóc" để bắt thêm khách. Ảnh: Tiến Hiếu |
Gia tăng “xe dù, bến cóc”
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, sau “lệnh” điều chuyển các tuyến xe khách tại các bến xe như trên lại đang xuất hiện tình trạng xe xuất bến không đủ khách, thậm chí có xe từ 30 – 45 chỗ chỉ có khoảng10 hành khách. Vì vậy, sau khi xuất bến, các xe này buộc phải chạy “rùa bò” trong nội đô, hoặc cập các “bến cóc” để bắt thêm khách mới chạy xe để đủ thu bù chi.
Trong đợt điều chuyển luồng tuyến vừa qua, bến xe Giáp Bát tiếp nhận 20 chuyến/ngày, bến xe Gia Lâm tiếp nhận 10 chuyến/ngày, bến xe Yên Nghĩa tiếp nhận 48 chuyến/ngày, bến xe Mỹ Đình tiếp nhận 123 chuyến/ngày và nhiều nhất là bến xe Nước Ngầm tiếp nhận 440 chuyến/ngày. Đến nay, cơ bản các bến đã tiếp nhận đầy đủ theo đúng kế hoạch.
Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Như Trúc thừa nhận, vẫn còn một số xe chưa thực hiện chuyển luồng tuyến về bến. Lý do, có thể các nhà xe này đang trong thời gian chuyển đổi phương tiện cho phù hợp hơn hoặc do các nhà xe thấy vắng khách quá, nên chưa đưa xe về. Bên cạnh đó, một số tuyến sau khi chuyển đổi trùng giờ hoặc thời gian xuất bến quá gần nhau cũng khó có khách.
Qua tìm hiểu, tại bến xe Nước Ngầm, sau điều chuyển cũng có nhiều tuyến trùng giờ. Riêng tuyến Hà Nội - Vinh, trung bình cứ 10 phút lại có một chuyến xuất xuất bến từ sáng đến chiều tối. Tuyến Thái Bình cũng tương tự. Trong khi đó, lượng khách giảm mạnh, cộng thêm lịch xuất bến dày khiến các nhà xe rất ít khách khi xuất bến…
Thực tế trên cũng là nguyên nhân gây phát sinh “xe dù, bến cóc” xung quanh khu vực các bến xe, vì các xe ra khỏi bến là thành “xe dù”. Phóng viên ghi nhận nhiều xe xuất bến, do vắng khách, ngoài việc chạy chậm như “rùa bò” trên đường sau khi xuất bến, thường rẽ vào các tuyến phố “xương cá” trên dọc tuyến để bắt khách. Nếu không có lực lượng chức năng chốt trực, dây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc.
Đơn cử, phần lớn xe khách xuất phát từ bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm đi các tỉnh phía Nam không đi theo hành trình, mà thường rẽ vào Phố Kim Đồng, Trần Thủ Độ (phía sau bến xe) để bắt thêm khách hoặc dừng đỗ ngày trên đường, tại các bãi đất trống, điểm rửa xe gần bến xe chờ khách…
Dịp Tết Nguyên đán đang là đợt cao điểm ra quân chấn chỉnh tình hình trật tự an toàn giao thông, cảnh sát giao thông Hà Nội đang triển khai các biện pháp ngăn chặn việc lập bến tự phát, đón trả khách trái quy định, gây mất trật tự giao thông. Do đó, các lực lượng chức năng cần tập trung xử lý vi phạm tại các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố, nhất là xung quanh khu vực các bến xe... để xử lý nghiêm các trường hợp xe khách vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.