Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh giả mạo nhãn hiệu

Thanh Hiền| 16/08/2021 07:22

(HNM) - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến các thiết bị vật tư y tế như găng tay, nước sát khuẩn, khẩu trang... trở thành mặt hàng thiết yếu đối với người dân và các lực lượng chức năng. Nhu cầu lớn cùng với hiện tượng khan hiếm hàng hóa đã dẫn đến tình trạng vật tư y tế không rõ nguồn gốc, thậm chí giả mạo nhãn hiệu xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Bắc Từ Liêm) phát hiện nhiều khẩu trang nghi giả mạo nhãn hiệu.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số địa phương như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, việc trang bị những thiết bị, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang, bộ áo quần bảo hộ y tế, nước sát khuẩn… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch đang hết sức cấp thiết.

Điều này dẫn đến tình trạng sau một thời gian tạm lắng, việc sản xuất, kinh doanh các loại thiết bị, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ lại tiếp tục xuất hiện trở lại. Một số đối tượng đã bất chấp an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như: Bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội, công an, lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ công tác cách ly tập trung… để thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết bị, vật tư y tế không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 22 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra đột xuất tại địa chỉ C34 Khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng 17.100 chiếc nghi giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Sau khi phát hiện và thu giữ số khẩu trang trên, lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với đại diện chủ thể quyền nhãn hiệu 3M tại Việt Nam kiểm nghiệm, làm rõ.

Không chỉ những vụ việc đã nêu, thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố cũng liên tục phát hiện, bắt giữ hàng chục nghìn khẩu trang y tế, găng tay, các bộ test nhanh Covid-19, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trước đó, ngày 30-7, Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổ công tác 368 (Tổng cục Quản lý thị trường) phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất khẩu trang của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại thiết bị Nam Anh nằm trên đường Trần Đại Nghĩa, quận Bình Chánh. Trên website, công ty tự giới thiệu là đơn vị hàng đầu Việt Nam chuyên sản xuất, phân phối khẩu trang y tế cho thị trường trong và ngoài nước. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 120 thùng carton chứa hơn 151.000 khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M. Đây là vụ phát hiện sai phạm đầu tiên và lớn nhất đối với mặt hàng khẩu trang mang nhãn hiệu 3M đã được lực lượng quản lý thị trường triệt phá.

Ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng đại diện, Giám đốc Quan hệ và thị trường Chính phủ Công ty TNHH 3M Việt Nam chia sẻ: “Những hỗ trợ của lực lượng quản lý thị trường không chỉ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của 3M với tư cách chủ thể quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, mà còn góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng để tránh sử dụng những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không bảo đảm sức khỏe”.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế. “Vì vậy, phải kiên quyết ngăn chặn, phát hiện, xử lý triệt để các hành vi sản xuất, buôn bán mặt hàng khẩu trang y tế nói riêng, thiết bị, vật tư y tế thiết yếu nói chung phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn ra ở nước ta hiện nay”, ông Trần Việt Hùng khẳng định.

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, cá nhân, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch để có thể kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm. Đại diện Cục cũng khẳng định, nếu đủ căn cứ, không thể chỉ xử lý hành chính, mà cần phải khởi tố, xử lý hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, mới đủ sức răn đe loại hình tội phạm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh giả mạo nhãn hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.