Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, nhất là đối với các hành vi găm hàng, ngừng bán không rõ lý do...
Cửa hàng bán lẻ xăng dầu Thạch Đồ số 1250 Huỳnh Tấn Phát, P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM đóng cửa hết xăng từ sáng 27-8 trong khi những cây xăng gần đó vẫn bán xăng cho người dân. Ảnh: Quang Định - Tuổi trẻ |
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp ổn định mức dự trữ lưu thông xăng, dầu tối thiểu cả về lượng, cơ cấu chủng loại.
Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu có cửa hàng bán lẻ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương; chỉ đạo chi cục quản lý thị trường chủ trì, phối hợp các cơ quan, ban, ngành chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung vào việc kiểm tra thực tế tình hình kinh doanh xăng, dầu của doanh nghiệp và các hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa nhằm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu.
Bộ Công Thương yêu cầu kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng, dầu, nhất là đối với các hành vi găm hàng, ngừng bán không rõ lý do, vi phạm về đối tượng mua, bán xăng, dầu, vi phạm về giao, nhận tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng, dầu, vi phạm về dự trữ xăng, dầu.
Được biết, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã trình UBND tỉnh xử phạt 25 triệu đồng và tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu 3 tháng đối với 1 cửa hàng do ngừng bán hàng; Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình UBND tỉnh xử phạt 1 trường hợp vi phạm.
Theo thống kê của Cục quản lý thị trường từ đầu năm đến nay, các địa phương đã tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của khoảng 30 cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.