(HNM) - Công tác bảo vệ và phát triển rừng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế này cho thấy yêu cầu tăng cường biện pháp quản lý cũng như xử lý nghiêm các vụ vi phạm là rất cấp thiết.
Theo Bộ NN&PTNT, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng diễn biến phức tạp. 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm, làm thiệt hại 1.257ha rừng. Riêng khu vực Tây Nguyên đã phát hiện 3.877 vụ vi phạm, làm thiệt hại 444ha, chiếm 53,7% tổng diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước. Tiếp đến là tỉnh Đắk Nông, 9 tháng năm 2017 bị thiệt hại 225ha, tăng 99ha so cùng kỳ năm ngoái. Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, từ năm 2016 đến tháng 9-2017 đã phát hiện 295 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 288ha rừng. Tại tỉnh Bình Định, vụ phá rừng trái pháp luật tại xã An Hưng, huyện An Lão làm thiệt hại 60,9ha rừng. Tại TP Hà Nội, 9 tháng qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, trên địa bàn đã xảy ra 17 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 64ha, trong đó huyện Sóc Sơn xảy ra 12 vụ (thiệt hại hơn 58ha)...
Nguyên nhân dẫn đến các vụ phá rừng là chủ rừng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, các địa phương báo cáo diện tích rừng bị thiệt hại không trung thực; không nghiêm túc thực hiện khắc phục hậu quả trồng lại rừng đối với diện tích bị phá; để xâm canh, lấn chiếm đất kéo dài, tạo hệ lụy xấu, khó xử lý... Trong khi đó, chính quyền cơ sở không thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng; vai trò chỉ đạo, điều hành còn mờ nhạt, thiếu tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên. Một số cán bộ, công chức quản lý nhà nước, nhất là kiểm lâm địa bàn có năng lực, nghiệp vụ yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho chính quyền xử lý kịp thời, thậm chí còn biểu hiện làm ngơ, tiếp tay cho hành vi phá rừng…
Để làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng thời gian tới, các địa phương đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế tại cơ sở. Đơn cử, tỉnh Lai Châu đã hỗ trợ người dân trồng rừng kinh tế theo hướng: Đất của người dân, sản phẩm rừng do người dân hưởng lợi; Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng những giống cây có giá trị cao như: Quế, sơn tra, mắc ca..., qua đó xóa bỏ tâm lý rừng của Nhà nước, không gắn quyền lợi và trách nhiệm của người dân... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh đề xuất giải pháp, xây dựng hệ thống “phần mềm” quản lý thông tin về rừng từ trung ương đến địa phương để quản lý thông suốt, báo cáo cập nhật thường xuyên các thông số…
Trước những bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp lâu dài như: Rà soát lại quy hoạch khu dân cư nông thôn, chính sách xây dựng nông thôn mới, tiến tới sắp xếp lại dân cư, phát triển sinh kế cho người dân để bảo vệ rừng. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm vi phạm; có biện pháp giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng, lấn chiếm đất để sản xuất...
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong điều kiện nguồn vốn trung ương còn nhiều khó khăn, các tỉnh, thành phố nên bố trí ưu tiên thêm nguồn lực bảo vệ rừng và có phương án sử dụng quỹ thu từ dịch vụ môi trường rừng hợp lý để sử dụng hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.