(HNMO) – Trên địa bàn Thủ đô, nhiều tuyến đường có các công trình trọng điểm đang thi công bị rào chắn, chật hẹp làm cho tình hình ùn tắc giao thông trở nên phức tạp. Trong các giờ cao điểm, nhiều phương tiện phải “chôn chân” hàng tiếng liền, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của nhân dân.
Trước tình hình trên, chiều 11/9, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị tổ chức giao thông như CATP, Sở Xây dựng, các chủ đầu tư dự án, nhà thầu các công trình trọng điểm trên địa bàn TP… để bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, hạn chế việc ùn tắc giao thông đang diễn ra phức tạp trên địa bàn TP.
Đường chật, ùn ứ giao thông là khó tránh khỏi
Tại hội nghị, Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội nhìn nhận: Thủ đô đang phát triển, đường xá được mở mang nên có khó khăn trong việc phải vừa thi công vừa sử dụng. Phòng CSGT TP Hà Nội đã huy động trên 700 chiến sỹ để hướng dẫn giao thông ở 340 nút giao thông, 14 tuyến đường trọng điểm, 6 bến xe đông người. Thực tế, trên các tuyến đường có công trình thi công, mặt đường chỉ khoảng 9-12m nhưng đã bị rào lại còn khoảng 3-4m, trong đó Hà Nội có khoảng 7 triệu dân (chưa kể những người ngoại tỉnh đi vào) nên việc đi lại tất yếu sẽ khó khăn.
Đại tá Đào Vịnh Thắng chỉ ra rằng, trong quá trình thi công, các đơn vị làm chưa đảm bảo. Chưa đủ biển báo, ánh sáng về ban đêm, hai đầu đường thi công không có người hướng dẫn. Trong khi đó trách nhiệm chủ đầu tư phải hướng dẫn, phân luồng 24/24, nếu để xảy ra tai nạn phải xử lý chủ đầu tư theo quy định của pháp luật. Để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng phải khởi tố chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Tiến độ thi công chậm trong khi hàng triệu người phải đi lại trên các tuyến đường chỉ rộng 3-4m.
Bên cạnh đó, lại có xe buýt chạy qua nên đường kẹt cứng. Về cấp thoát nước, bên CSGT thống kê có ngày mưa, trên địa bàn TP có đến 53 điểm ngập phức tạp đến 30-40 cm, dẫn đến xe ô tô, xe máy chết máy. Tổ chức giao thông, hệ thống biển báo chưa đảm bảo tại các tuyến rào chắn để thi công ở Cầu Giấy, Xuân Thủy, đường 32, Cát Linh – Hà Đông…
Tình hình phương tiện cá nhân gia tăng, 1 tháng có trên 4.000 ô tô, trên 15.000 xe máy được đăng ký mới. Hơn nữa, sau ngày 5/9, khai giảng toàn quốc, số học sinh về Hà Nội tăng lên, các bố mẹ đưa đón con đi học cũng tăng lên. Bên cạnh đó, một bộ phận ý thức người tham gia giao thông chưa tốt. Sự phối hợp của các lực lượng phối hợp chưa hiệu quả… Tất cả các yếu tố trên làm tình hình giao thông Thủ đô trở nên hỗn tạp.
Đường Nguyễn Trãi - Thanh Xuân luôn đông nghẹt các phương tiện. |
Nhà thầu thi công chậm, phải đẩy nhanh tiến độ
Theo thống kê của Phòng Quản lý Giao thông Đô thị (Sở GTVT), trên địa bàn TP có 12 cụm công trình lớn, 21 điểm rào chắn gây ùn tắc giao thông, 23 điểm úng ngập do mưa lớn. Riêng về vấn đề thi công các công trình trọng điểm hiện còn chậm, trong khi phải rào chắn đường để phục vụ thi công làm cho các tuyến đường bị chật, gây thêm ùn tắc.
Ông Trần Đăng Hải – Chánh Thanh tra Sở GTVT nêu rõ: Việc tuân thủ các biện pháp thi công tại dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội chưa triệt để. Hiện có chỗ chưa thi công trong khi phải tranh thủ từng ngày một. Với Ban QLDA Thăng Long, ở hầm chui nút Thanh Xuân, nhà thầu cần phải thảm hoàn thiện, rào chắn hiện chưa đảm bảo theo yêu cầu. Với Ban đường sắt số 6, được cho phép làm hàng rào di động khi thi công nhưng đến giờ cao điểm không thu hẹp lại nên đã Thanh tra GTVT lập biên bản phạt.
Trình bày về tiến độ thi công Dự án tuyến đường sắt đô thị thì điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội và các giải pháp khắc phục ùn tắc, ông Lê Huy Hoàng – Phó Trưởng Ban QLĐS đô thị Hà Nội cho biết: Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội đã được phép thi công 2 gói thầu về tuyến trên cao và 8 ga. Đoạn đường Xuân Thủy có ùn tắc ở ga số 6, số 7 khu vực Đại học Quốc gia, chùa Hà. Nguyên nhân trong các ngày 7, 8, 9 tháng 9 vừa qua, do mưa làm các phương tiện đi lại nhốn nháo hơn; khu vực này cũng có nhiều sinh viên ở các trường đi lại. Hiện nay, Ban QLĐS đô thị Hà Nội đang chỉ đạo các nhà thầu tổ chức thi công trên tất cả các vị trí cấp phép. Tuần vừa qua, Ban cũng đã cùng liên ngành đi bổ sung các biển báo bị mất.
“Tôi đồng tình với phương án của Sở GTVT đề ra là phải kiểm tra, sửa chữa các biển báo; khi mưa, kiểm tra, khơi thông các điểm thoát nước. Những lúc mưa, nhà thầu phải bố trí thêm người hướng dẫn giao thông ở hai đầu rào chắn” – ông Hoàng khẳng định.
Bên cạnh đó, là đơn vị chỉ đạo thi công các tuyến giao thông quan trọng như: Dự án hầm chui Trung Hòa (ùn ở nút giao Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến- Trần Duy Hưng), dự án hầm chui Thanh Xuân (có điểm ùn tắc nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi), dự án cải tạo Nút giao đường quốc lộ QL5 (ùn ở nút giao vành đai 3- QL5; ông Bình – Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) cho biết: Đến 15/10 xe thông xe toàn bộ Nút giao quốc lộ 5 cắt đường Vành đai 3. Theo đó, toàn bộ việc ách tắc nút giao giữa quốc lộ 5 đi Bắc Ninh sẽ được giảm bớt. Bên cạnh đó, tại Nút giao Trung Hòa, Ban QLDA Thăng Long đã chỉ đạo nhà thầu hoàn thành xong trước Tết Âm lịch; tại Nút giao Thanh Xuân, thi công xong phần nào sẽ gỡ ngay phần rào chắn để có mặt bằng cho nhân dân đi lại, phấn đấu hoàn thành công trình xong trước Tết Âm lịch.
Phản ảnh về điểm ùn tắc trên địa bàn, lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân phản ánh: Quận Thanh Xuân có 2 điểm hay ùn ứ giao thông là hầm chui Thanh Xuân và điểm trước ĐH quốc gia, Quận đã cử lực lượng phối hợp. Tuy nhiên, mật độ tham gia qua các điểm đông, công an phường chỉ có 3 người là công an trật tự, nên đã phải tăng thêm lực lượng tự quản. Đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công (khu vực quận Thanh Xuân đã từng xảy ra tai nạn chết người). Công an quận cũng đã đề nghị Chủ tịch quận xử lý việc tranh giành hầm để trông xe trái phép; đề nghị đơn vị thi công rào chắn cầu qua sông Tô Lịch.
Phó Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Xuân Tân cũng nhấn mạnh tại hội nghị: “Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về an toàn dự án và an toàn giao thông. Nếu dự án chậm sẽ xử phạt các nhà thầu”.
Triển khai nhiều giải pháp để giảm ùn tắc
Theo Phòng Quản lý Giao thông Đô thị (Sở GTVT), tại Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, vị trí ùn tắc là Nhà ga Bến xe Hà Đông cũ (đường Trần Phú); Nhà ga La Thành (phố Hoàng Cầu); Nhà ga Láng (đường Láng) do bề mặt đường lưu thông bị thu hẹp để phục vụ xây dựng công trình đường sắt. Phương án cải tạo đà giáo, mở thêm lối đi cho các phương tiện giao thông (chỉ cho phép rào chắn thi công các hạng mục có sử dụng mặt đường lưu thông vào ban đêm); Phân luồng từ xa cho xe tải, xe khách; Sớm hoàn trả hệ thống mặt đường sau khi hoàn thành rào chắn thi công.
Ở Dự án hầm chui Thanh Xuân (Ban QLDA Thăng Long) có vị trí ùn tắc là Nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi do khu vực rào chắn chồng lấn với dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Giải pháp khắc phục cho khu vực này là đẩy nhanh tiến độ triển khai tường chắn để mở rộng rào chăn, nâng cấp toàn bộ hệ thống đường hai bên (dự kiến tháng 10/2015). Tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông, giải tỏa vi phạm (dừng, đỗ lấn chiếm lòng đường đi ngược chiều) gây ùn tắc giao thông. Thường xuyên cải tạo gia cố mặt đường hiện trạng và hệ thống thoát nước bề mặt; hoàn thành tháng 4/2016.
Giải pháp chung với các chủ đầu tư và các đơn vị thi công là cải tạo hệ thống mặt đường xung quanh khu vực rào chắn thi công, đảm bảo êm thuận, thoát nước bề mặt nhằm tăng khả năng thông thoát các phương tiện. Đẩy nhanh tiến độ thi công, thu gọn rào chắn các vị trí đã thi công xong hoặc chưa thi công nhằm mở rộng tối đa diện tích phục vụ giao thông. Bố trí lực lượng trực chốt 24/24h phục vụ công tác hướng dẫn giao thông và kịp thời xử lý các sự cố.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Năm 2015 là “Năm trật tự văn minh đô thị”, từ đầu năm, TP đã triển khai nhiều giải pháp, đồng bộ về đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua có tình trạng ùn ứ giao thông trên địa bàn một số tuyến trọng điểm, nhất là trong các ngày 7,8,9 tháng 9/2015. Thực tế, tình hình kinh tế Thủ đô phát triển, lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, áp lực nên mạng lưới hạ tầng giao thông. Đầu tháng 9 có thêm bối cảnh học sinh, sinh viên tựu trường, tình hình thời tiết mưa bão… tác động đến trật tự giao thông.
Trong khi đó trên địa bàn TP có nhiều công trình thi công nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo cho lưu lượng người qua lại. Có nơi giảm 2/3 mặt cắt ngang đường. Nhà thầu thi công chưa tuân thủ các quy định thi công. Chất lượng hạ tầng giao thông ở một số vị trí rào chắn thi công chưa đảm bảo êm thuận, dẫn đến tình trạng giảm tốc độ, gây ùn ứ. Ý thức người tham gia giao thông chưa nhường nhịn lẫn nhau.
Sở GTVT đã đưa ra giải pháp với 12 công trình và 21 điểm rào chắn. Sở yêu cầu phải rà soát ngay các tuyến khó khăn, ùn tắc. Xem lại trách nhiệm chủ đầu tư, tổ chức xén hè, mở rộng giải phân cách. Giao Phòng Giao thông Đô thị tổ chức kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu thi công, hoàn thành ngay trong thứ Hai (14/9); Có biện pháp khắc phục nếu các nhà thầu chưa hoàn tất được. Kiên quyết kiểm tra các đơn vị khi không thi công phải dỡ bỏ rào chắn. Thi công tập trung vào ban đêm để ban ngày cho nhân dân đi lại; hạn chế tối đa việc lấn chiếm hè đường. Giao Thanh tra GT kiểm tra việc thực hiện.
Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện cũng nêu riêng với khu vực bến xe Hà Đông là nút thắt nhất trong tuyến Nguyễn Trãi – Hà Đông phải nghiên cứu lại rào chắn để hạn chế ảnh hưởng nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Ở các nút giao thông cần sự vào cuộc của Công an các quận, huyện với phương châm 4 tại chỗ ở các thời điểm ùn tắc phức tạp. Tiếp tục rà soát các phương án tổ chức giao thông, biển báo, phân luồng…; điều tiết lại các tuyến xe buýt đang gây ùn tắc. Tăng cường xử lý lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Thanh tra GT, Công an các quận, huyện vào cuộc.
Mặt khác, Giám đốc Sở GTVT đề xuất các phương tiện truyền thông, tuyên truyền hướng dẫn người tham gia giao thông hạn chế lưu thông qua các khu vực, tuyến đường thường xuyên có nguy cơ ùn tắc giao thông, chủ động chuyển hướng hoặc thay đổi thời gian lưu thông cho phù hợp; Trao đổi, cung cấp và đề xuất thông tin có liên quan về giao thông để các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Hơn nữa, ông Viện đề nghị các cơ quan quản lý kiểm tra, xử lý nghiêm các nhà thầu thi công chậm, không đảm bảo an toàn trong thi công. Về dài hạn, do nguồn kinh phí khó khăn nên một số chương trình mục tiêu giảm ùn tắc trong năm 2015 chưa thực hiện được. “Sở sẽ báo cáo TP bố trí nguồn lực thực hiện. TP đã cho xây dựng 7 cầu vượt, cần tiếp tục rà soát, đầu tư để giảm ùn tắc. Tuần tới, Sở GTVT sẽ báo cáo Hội đồng nhân dân TP về việc cần đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư để giảm ùn tắc lâu dài, bền vững” – Giám đốc Sở GTVT khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.