(HNMO) - Hôm nay, 30-3, Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy (huyện Quốc Oai) bước vào ngày chính hội. Tuy nhiên, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, chùa Thầy đã dừng đón khách đến tham quan, lễ hội từ trước đó, các hàng quán cũng đóng cửa hoàn toàn. Không riêng Quốc Oai, các quận, huyện khác trong thành phố cũng chấp hành nghiêm chỉ đạo tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Các huyện ngoại thành: Xử lý nghiêm những "biến tướng"
Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới sáng 30-3, hơn 100 hộ kinh doanh ăn uống, quà lưu niệm, cà phê, karaoke xung quanh khu vực chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) đều trưng biển tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, hộ kinh doanh hàng ăn uống ở đây cho biết, khu di tích chùa Thầy dừng đón khách đến tham quan, lễ hội từ ngày 27-3 đến nay nên gia đình bà cũng đóng cửa hàng. Việc dừng kinh doanh, buôn bán tuy gây thiệt hại đến kinh tế, nhưng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, gia đình bà rất đồng tình, ủng hộ.
Tại huyện Gia Lâm, Chủ tịch UBND xã Đông Dư Nguyễn Hữu Nhật cho biết, đến ngày 30-3, toàn bộ 45 cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn xã đã tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Người dân đều có ý thức chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và UBND thành phố.
Để thực hiện có hiệu quả, xã đã thành lập một Tổ giám sát gồm: Công an xã và các ban, ngành, đoàn thể, hằng ngày đi kiểm tra vào các buổi sáng, trưa, chiều. Nếu phát hiện trường hợp đóng cửa nhưng biến tướng bán ở trong nhà thì xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) Bùi Văn Đức cho biết: "Các hộ kinh doanh, dịch vụ đều chấp hành rất tốt quy định, chúng tôi không phải cưỡng chế trường hợp nào. Tuy nhiên, lực lượng chức năng của xã vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm tra, nếu phát hiện hộ nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo quy định".
Hiện 57 cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại xã Song Phượng đã dừng hoạt động, bao gồm: 8 cửa hàng karaoke, 19 cửa hàng ăn uống, 8 cửa hàng cà phê, 5 cửa hàng spa/massage, 7 cửa hàng sửa chữa ô tô, xe máy và 10 cơ sở kinh doanh dịch vụ khác.
Tại huyện Hoại Đức, Chủ tịch UBND xã Kim Chung Nguyễn Hữu Cương cho biết, trên địa bàn xã có 16 cơ sở kinh doanh karaoke, tẩm quất, massage,… Ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố, xã đã chỉ đạo lực lượng công an trực tiếp đến từng hộ yêu cầu ký cam kết và tạm thời đóng cửa từ ngày 20-2.
Riêng tuyến quốc lộ 32 qua địa bàn xã dài khoảng 5km có hơn 600 hộ kinh doanh các mặt hàng không thuộc hàng nhu yếu phẩm cần thiết (quần áo, ăn uống, giải khát, đồ điện tử, điện lạnh, sửa chữa xe…), các hộ đều đã ký cam kết và đóng cửa từ ngày 27-3.
Xã đã thành lập 4 tổ công tác đi kiểm tra hằng ngày. Sáng 28-3, tổ công tác đã phát hiện, yêu cầu 3 hộ kinh doanh đồ ăn sáng/ăn vặt ở thôn Lai Xá phải đóng cửa, chấp hành nghiêm chỉ đạo của thành phố và huyện.
Bà Nguyễn Thị Hạnh - một người dân sống ở thôn Lai Xá cho biết: "Những ngày qua, tôi thấy chính quyền địa phương rất quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là các hộ kinh doanh ở mặt đường 32 tuân thủ rất nghiêm việc đóng cửa hàng, không kinh doanh, không tụ tập đông người...".
Các quận nội thành quyết liệt kiểm tra
Tại các quận nội thành, trong ngày hôm nay, các cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các hàng quán thực hiện đúng quy định về tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19.
Từ 5h30, Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã thực hiện kiểm tra tại các phố cổ trên địa bàn.
Trung tá Trần Văn Vuông, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, công tác tuyên truyền đã tạo hiệu ứng tích cực; hầu hết các hàng quán bán đồ ăn, cà phê trên các tuyến phố đều đã đóng cửa để phòng, chống dịch. Hàng Bạc là phường đã thực hiện rất nghiêm túc việc này. Đặc biệt, các hộ tiểu thương kinh doanh ở khu phố Gia Ngư và các ngõ Trung Yên, Cầu Gỗ, Hàng Bè… đều được tuyên truyền, ký cam kết tạm thời đóng cửa hàng.
Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, những địa điểm mà Báo Hànộimới từng phản ánh có cửa hàng bán cà phê còn đối phó mở nửa cửa bán hàng, hay một số quán trà đá vẫn hoạt động trên các tuyến phố Triệu Việt Vương, Tuệ Tĩnh, Ngô Thì Nhậm, Hàn Thuyên…, thì sáng nay đã thực hiện triệt để việc đóng cửa kinh doanh.
Trung tá Nguyễn Chí Viễn, Trưởng Công an phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết, cơ quan chức năng của quận liên tục nhắc nhở chủ các cửa hàng đóng cửa để phòng, chống dịch. Tại cổng Bệnh viện Bạch Mai, lực lượng công an cũng đã cắm chốt và khoanh vùng, lên danh sách kiểm soát chặt chẽ tình hình an ninh trật tự.
Tại các quận khác như Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ…, gần như tất cả hàng, quán kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu ở các tuyến phố chính và ngõ nhỏ trong địa bàn dân cư đã dừng hoạt động.
Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, đến nay, hơn 90% số cửa hàng kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn quận đã tạm thời đóng cửa (ngoài các cửa hàng kinh doanh nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men).
Tuy nhiên, còn tình trạng xảy ra ở không ít nơi là, khi vắng bóng lực lượng chức năng, một số hộ kinh doanh vẫn lén lút bán hàng, xảy ra tại khu vực đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), đường Thái Thịnh (quận Đống Đa)…
Cùng với quyết liệt thực hiện việc đóng cửa các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng, dịch vụ không thiết yếu, người dân trên địa bàn Thủ đô đã có ý thức thực hiện tốt hơn việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là ở khu vực ngoại thành.
Ông Phạm Việt Hùng - Chủ tịch UBND xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, hằng ngày xã tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về việc người dân không tụ tập nơi đông người và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường. Mỗi thôn thành lập một tổ giám sát, nhắc nhở, nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì thông báo cho công an xã để xử phạt theo quy định.
Tại xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), người dân trong xã chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang, đặc biệt là các hộ kinh doanh, buôn bán nông sản, thực phẩm tại các chợ trong xã. Bà Đỗ Thị Hiểu ở thôn Đốc Tín cho biết: "Sáng nào tôi cũng đi chợ Đốc Tín, hầu hết người bán, người mua đều đeo khẩu trang. Đặc biệt, các hộ kinh doanh, buôn bán còn chủ động ngồi cách nhau 2m. Nếu trường hợp nào không đeo khẩu trang sẽ không được bán hàng trong chợ, sẽ có tổ quản lý chợ nhắc nhở”.
Bí thư Đảng ủy xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) Trần Quốc Oai cho biết, về cơ bản, người dân đã có ý thức thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế về đeo khẩu trang nơi công cộng. "Chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể đối với các trường hợp đã nhắc nhở nhưng cố tình không chấp hành quy định sẽ xử phạt hành chính. Hiện tại, chưa phải xử phạt trường hợp nào", ông Trần Quốc Oai nói.
Với xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây), UBND xã đã tuyên truyền, yêu cầu cán bộ xã gương mẫu đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; công dân đến giao dịch tại UBND xã phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay rồi mới vào làm việc; nhắc nhở người dân khi ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang qua hệ thống loa truyền thanh xã... Đến nay, người dân trên địa bàn xã chấp hành nghiêm vấn đề này. UBND xã còn phối hợp với Thị đoàn Sơn Tây phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí cho các hộ dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.