(HNM) - Lượng xe quá khổ, quá tải hoành hành trên các tuyến quốc lộ (QL), tỉnh lộ dù chỉ còn khoảng 10% so với các giai đoạn trước đây, song thủ đoạn hoạt động lại vô cùng tinh vi, phức tạp.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh kiểm tra xe ô tô quá khổ, quá tải. |
Thế nhưng thực tế cho thấy, để giải quyết dứt điểm được hay không còn phụ thuộc tinh thần trách nhiệm của lực lượng trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên đường.
Vi phạm ít nhưng phức tạp
Trong báo cáo mới nhất về kết quả kiểm soát tải trọng xe, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong 11 tháng qua, các trạm kiểm tra tải trọng xe của các Cục Quản lý đường bộ và Sở GT-VT địa phương đã kiểm tra 32.710 xe, qua đó phát hiện 2.224 xe vi phạm về tải trọng hoặc kích thước thùng hàng, xử phạt 20,9 tỷ đồng, tước 836 giấy phép lái xe. Tuy nhiên, sau khi liên bộ GT-VT, Công an tổng kết Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA về việc phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm chở quá trọng tải trên đường bộ, lực lượng công an tại 31 địa phương đã rút khỏi các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, khiến cho việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn do thiếu lực lượng.
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện các xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở ngô, sắn quá tải lưu thông trên QL6, đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Sơn La; xe chở thép quá tải lưu thông từ Bắc Ninh qua QL38 rồi ra QL5 để cung cấp cho Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên); xe có kích thước thùng hàng vượt quá quy định chở bê tông nhựa nóng quá tải từ các trạm trộn trên QL18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh, ra QL2 phục vụ các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, theo phản ánh của các lái xe về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, gần đây còn xuất hiện xe chở hàng quá tải đường dài từ Hải Phòng đi qua nhiều tỉnh, thành phố lên Lào Cai mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý...
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, số lượng phương tiện vi phạm tải trọng chỉ còn khoảng 10% nhưng lại cực kỳ phức tạp. Đối tượng vi phạm rất tinh vi, thường bố trí người theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để cảnh giới cho phương tiện quá tải hoạt động. Thậm chí, một số nơi còn có sự dung túng của chính quyền địa phương.
Từ chối đăng kiểm xe tái phạm
Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây, Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ cho biết, xe đi đăng kiểm thì rất đẹp, nhưng ra khỏi trạm là chủ xe thay toàn bộ, từ thùng xe tới logo, khác hẳn so với lúc đăng kiểm. “Xe vào đăng kiểm đều có ảnh chụp, nên kiểm tra trên đường chỉ cần đối chiếu ảnh là ra ngay vi phạm. Theo quy định, nếu phạt đầy đủ các hành vi vi phạm về tải trọng phương tiện và trật tự an toàn giao thông thì mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng, đủ sức nặng để răn đe khiến không xe nào dám vi phạm nữa. Đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) có chuyên đề riêng, làm mạnh từng thời điểm” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Song, liên quan đến phương tiện “biến hình” sau khi đăng kiểm, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho rằng việc xử lý qua hình ảnh không dễ. Để xác lập biên bản vi phạm và sử dụng hình ảnh làm chứng cứ thì thiết bị ghi lại hình ảnh đó cũng phải được kiểm định. Giải thích của lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông lập tức được Bộ trưởng Bộ GT-VT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Quang Nghĩa gọi là “máy móc”. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, giấy chứng nhận đăng kiểm kèm theo hình ảnh xe khi đăng kiểm chính là cơ sở để kiểm tra, đối chiếu phát hiện vi phạm và xử phạt.
Để xử lý triệt để tình trạng chở quá tải trọng, ông Nguyễn Văn Huyện đề nghị, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành; trường hợp tái phạm lần đầu rút thời gian kiểm định từ 6 tháng xuống còn 4 tháng, tiếp tục tái phạm sẽ từ chối đăng kiểm. Ngoài ra, tổ chức lại lực lượng trạm kiểm soát tải trọng xe, công khai nêu danh những nơi làm tốt và chưa tốt.
Khẳng định phải giải quyết triệt để 10% phương tiện chở quá tải còn lại, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, việc dừng kiểm soát tải trọng ở các trạm cân cố định liên ngành không có nghĩa là dừng kiểm tra. Lực lượng thanh tra giao thông cần tập trung xử lý ở những nơi lên, xuống hàng. Lực lượng Cảnh sát giao thông tập trung vào giải quyết các lỗi vi phạm ở trên đường.
Một số ý kiến cho rằng, chỉ khi nào phân định rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, lãnh đạo từng địa phương và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ, khi ấy, công tác kiểm soát tải trọng xe mới thực sự thành công. 10% còn lại rất phức tạp, quá trình xử lý không ít địa phương “ngại”, chỉ mong lực lượng từ trung ương về hỗ trợ. Trong khi, chính lực lượng chức năng cũng “máy móc”, chưa kể còn những "góc khuất" khác nên mới có chuyện xe quá tải "ung dung" chạy qua nhiều tỉnh mà không bị kiểm tra, xử lý...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.