Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý dứt điểm hiện tượng thấm nước đập Thủy điện Sông Tranh 2

Theo VGP News| 18/05/2012 20:37

Thực hiện chức năng giám sát, ngày 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và UBND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành giám sát, kiểm tra việc khắc phục hiện tượng thấm nước đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Đoàn Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội giám sát, kiểm tra thực tế trong hành lang thân đập Thủy điện Sông Tranh 2. - Ảnh: VGP.


Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sau khi tiến hành các biện pháp chống thấm ban đầu, tổng lưu lượng nước thấm đo và ước tính trong ngày kể từ 31/3/2012 đến nay giảm dần từ 91,6 lít/s đến 71,57 lít/s.

Lượng nước thấm chủ yếu qua 10 khe nhiệt lớn là K7, K8, K11, K14, K16, K18, K20, K23, K25, K28 chiếm 79% tổng lượng nước thấm, đặc biệt hai khe K11, K16 chiếm 70% tổng lượng nước thấm. Các khe nhiệt còn lại có lưu lượng nước thấm nhỏ chiếm khoảng 8% tổng lượng nước thấm. Lưu lượng nước thấm qua nền chiếm khoảng 6%, lưu lượng nước thấm qua các vị trí bê tông khuyết tật chiếm 7% tổng lưu lượng nước thấm.

Hiện nay mực nước hồ là 156,8m, tổng lượng nước thấm đo được qua các máng đo ở hố thu cao trình 95m là 75 lít/s.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cho biết, kết quả quan trắc cho thấy, áp lực thấm nền đập có liên quan đến sự thay đổi của mực nước hồ, nhưng biên độ giao động của áp lực thấm nền đập nhỏ hơn nhiều so với biên độ giao động của mực nước hồ. Áp lực thấm nền đập có giá trị nhỏ không đột biến, nền tuyến đập đảm bảo an toàn về thấm.

Trong thời gian 2 tháng từ 10-12/2011 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra khoảng 40 trận động đất. Hiện nay Tập đoàn Điện lực đang phối hợp với Viện Vật lý địa cầu triển khai việc nghiên cứu, thiết lập hệ thống quan trắc động đất bằng cách lắp đặt 5 trạm quan trắc động đất tại các khu vực huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước.

Quan trắc dịch chuyển đứng và ngang thân đập có sai số nhưng nhỏ hơn cho phép, ổn định.

Ngày 8/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phê duyệt phương án xử lý chống thấm. Theo đó, Tổng Công ty Xây dựng Thủy lợi 4 triển khai thực hiện và đã ký hợp đồng xử lý chống thấm 10 khe nhiệt có lưu lượng nước thấm lớn với Viện Khảo sát thiết kế Hoa Đông (Trung Quốc).

Các bên đã thống nhất tiến độ dự kiến xử lý 10 khe nhiệt trên tại hiện trường từ ngày 15/6-15/8/2012. Đồng thời, đang tiến hành đàm phán ký hợp đồng xử lý chống thấm 20 khe nhiệt có lưu lượng nước thấm nhỏ, dự kiến xử lý tại hiện trường từ ngày 30/5-30/7.

Sau khi tiến hành giám sát, kiểm tra tại hiện trường Thủy điện Sông Tranh 2, ông Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đặt ra 3 vấn đề cần lưu tâm. Đó là chủ đầu tư chưa có báo cáo cụ thể về nguyên nhân hiện tượng thấm nước thân đập, các số liệu quan trắc còn rất sơ sài, chưa có bản đánh giá toàn diện về sự an toàn thân đập. Bên cạnh đó, kết luận không có vết nứt bất thường chưa có căn cứ khoa học, chưa thuyết phục.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng chủ đầu tư phải thẳng thắn nêu ra những khó khăn trong quá trình khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin công khai cho người dân yên tâm, từ đó tập trung giải pháp thực hiện khắc phục cho tốt hơn.

Theo ông Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường , đối với Thủy điện Sông Tranh 2, ngoài phương án xử lý do Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu ra hôm nay, phải có thêm phương án dự phòng các đợt lũ bất thường ở thời điểm này. Đồng thời, cần quan tâm đến phương án chống lũ, bảo vệ nhân dân, bởi vì khoảng cách từ đập thủy điện đến khu vực dân sinh sống rất ngắn và cao.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc quan trọng hiện nay là triển khai các giải pháp giảm nước thấm qua thân đập để đảm bảo chất lượng công trình. Cùng với việc triển khai xử lý chống thấm, sẽ tiến hành đánh giá toàn diện từ khâu thiết kế đến thi công và đưa vào vận hành để công bố cho người dân yên tâm.

Các bên đã trao đổi, nhìn nhận rõ, sâu sắc về vấn đề thấm nước Thủy điện Sông Tranh 2 và cho rằng, đơn vị thi công cần phải quan tâm đến chất liệu để khắc phục sự cố, để đảm bảo tuổi thọ của thân đập. Nhiệm vụ trước mắt là quyết tâm xử lý dứt điểm hiện tượng thấm nước tại Thủy điện Sông Tranh 2 trước mùa lũ năm nay.

Hầu hết ý kiến cũng cho rằng tới đây, cần thành lập tổ chuyên gia độc lập, trong đó có chuyên gia nước ngoài, sử dụng các thiết bị hiện đại, đánh giá trong một khoảng thời gian nhất định, để khẳng định bằng luận cứ khoa học rằng đập an toàn. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư đưa tất cả các thiết bị quan trắc đi vào hoạt động, để thu thập và xử lý các thông tin từ các thiết bị quan trắc.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh, sự cố tại Thủy điện Sông Tranh 2 được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc kịp thời. Ông đề nghị chủ đầu tư cần tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các bên liên quan đã trao đổi hôm nay để rút kinh nghiệm, tiến hành khắc phục, xử lý thành công sự cố thấm nước thân đập Thủy điện Sông Tranh 2.

Kết quả thu được tại lần giám sát, kiểm tra và làm việc hôm nay sẽ được gửi đến Quốc hội, Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dứt điểm hiện tượng thấm nước đập Thủy điện Sông Tranh 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.