Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý dự án sử dụng đất chậm triển khai: Kiến nghị nhiều giải pháp

Việt Tuấn| 22/06/2021 06:04

(HNM) - “Mặc dù thành phố đã tăng cường quản lý, xử lý vi phạm đối với các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai, song thực tế không những chưa đạt kết quả như mong muốn, còn phát sinh thêm các dự án mới chậm triển khai…”. Đây là nhận định của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội sau đợt tái giám sát về nội dung này từ đầu năm 2021 đến nay, đồng thời kiến nghị những giải pháp căn cơ để xử lý những dự án chậm triển khai trên địa bàn Thủ đô.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát thực tế một dự án chậm triển khai tại quận Bắc Từ Liêm, ngày 16-4-2021.

Phát sinh thêm 45 dự án chậm triển khai 

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Hồ Vân Nga, tổng hợp qua kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND thành phố từ tháng 3 đến tháng 6-2021 cho thấy, mặc dù UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp. Có 56/89 dự án chậm triển khai kiến nghị từ năm 2012, nhưng đến nay chưa được khắc phục dứt điểm. Đáng lưu ý, 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến tháng 3-2021 vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế. Ngoài ra, trong số 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017 HĐND thành phố kiến nghị năm 2018, đến nay vẫn còn 293 dự án chậm triển khai hoặc có các vi phạm. Đặc biệt, 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 dự án chậm nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng.

“Qua tái giám sát vào đầu năm 2021, Thường trực HĐND thành phố phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau đợt giám sát tháng 7-2018”, bà Hồ Vân Nga cho biết thêm.

Trong khi đó, Phó cục Trưởng Cục thuế Hà Nội Nguyễn Tiến Trường cho hay, việc khó xử lý về chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính do nhiều doanh nghiệp chỉ thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đó, không có hoạt động gì khác, nên việc kiểm soát, liên thông xử lý tài chính của những doanh nghiệp này gần như bằng không. Vì thế, một số doanh nghiệp nợ tiền chậm nộp còn lớn hơn nợ gốc, tuổi nợ trên dưới 10 năm.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuân thông tin thêm, qua giám sát cho thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa hoàn thành dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu liên quan quản lý đất đai của thành phố. Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư còn chậm xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách, đồng thời chưa báo cáo rõ về thời hạn hoàn thành. Ngoài ra, công tác đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện một số kết luận sau thanh tra và giải quyết kiến nghị của các quận, huyện chưa kịp thời…

Huyện Mê Linh là một trong những địa phương có 60 dự án chậm triển khai. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) nói: "Trên địa bàn huyện Mê Linh có nhiều dự án xây dựng đô thị bị “treo” nhiều năm nên sản xuất nông nghiệp của người dân gặp khó khăn do vướng quy hoạch của các dự án".

Về thực trạng trên, ngoài nguyên nhân khách quan là bất cập trong chính sách đất đai, Thường trực HĐND thành phố cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan. Đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện các kiến nghị giám sát, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố chưa được các cấp chính quyền, sở, ngành thực sự quyết liệt. Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư chưa kiên quyết làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư. Công tác giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị buông lỏng… 

Một dự án khu nhà ở chậm triển khai tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Ảnh: Minh Khôi

Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn, để giải quyết triệt để những vi phạm của dự án chậm triển khai, rất cần xây dựng phần mềm quản lý, giám sát dự án trên địa bàn. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tích cực và sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý các dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất, từ đó xây dựng quy chế đánh giá dự án đầu tư trên địa bàn thành phố để có giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam thừa nhận, thời gian qua, Sở cũng chưa kiên quyết trong công tác xử lý các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Thời gian tới, Sở sẽ nỗ lực xử lý các vi phạm này.

Về vấn đề trên, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, trong nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân sự phối hợp của các sở, ngành của thành phố không chặt chẽ. Vì thế, trước mắt HĐND thành phố sẽ kiến nghị UBND thành phố thành lập tổ liên ngành của thành phố, để xem xét từng dự án, làm việc với các quận, huyện, thị xã, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể để xử lý dứt điểm những vi phạm, tồn tại.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là vấn đề khó; được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều, nhất là tình trạng để đất hoang hóa, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Đáng lưu ý, vấn đề này đã được HĐND thành phố giám sát, chất vấn nhiều lần và tổ chức phiên giải trình. Sau đợt tái giám sát, Thường trực HĐND thành phố sẽ kiến nghị các nội dung với UBND thành phố để xử lý các tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Trong đó, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo thực hiện tốt công tác hậu kiểm việc thực hiện các kết luận thanh tra và tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để theo dõi, báo cáo về tiến độ, vi phạm, hướng giải quyết của các dự án có sử dụng đất; chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý dự án sử dụng đất chậm triển khai: Kiến nghị nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.