Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý doanh nghiệp nợ đọng hơn 76.000 tỷ đồng thuế: Tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp mạnh

Hương Ly| 02/12/2015 06:47

(HNM) - Trong khi các doanh nghiệp (DN) thuộc danh sách 1.000 đơn vị nộp thuế lớn nhất Việt Nam đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 hơn 82.344 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN, thì một bộ phận DN lại có biểu hiện chây ỳ, dây dưa nợ thuế.

Giao dịch tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Như Ý


Lãnh đạo ngành Tài chính cho biết, sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp xử lý mạnh tay với những DN cố tình dây dưa, nợ thuế nhằm bảo đảm công bằng cho các DN nghiêm túc trong việc nộp ngân sách.

Thu hồi 1.475,5 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng

Theo danh sách 92 DN nợ đọng thuế do Cục Thuế TP Hà Nội vừa công bố, tính đến ngày 31-10-2015, tổng số tiền thuế các DN này nợ đọng lên tới 263,6 tỷ đồng. Hầu hết DN nợ thuế lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông. Điển hình như Công ty CP Đầu tư xây dựng Long Việt nợ thuế 27,9 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 3 Thăng Long: 16,7 tỷ đồng; Công ty CP Cầu 5 Thăng Long: 16,4 tỷ đồng; Công ty CP Thép Việt Thanh: 14,7 tỷ đồng; Công ty CP Thí nghiệm và Xây dựng Thăng Long: 12,8 tỷ đồng…

Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, để bảo đảm công bằng giữa các DN trong quá trình thực hiện nghĩa vụ với NSNN, Cục Thuế đã công khai danh sách các DN nợ thuế lớn. Đồng thời, Cục Thuế áp dụng các biện pháp quản lý, phân loại nợ; phân tích nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả. Riêng trường hợp DN có doanh thu bán hàng, có dòng tiền luân chuyển nhưng vẫn dây dưa nợ thuế; các dự án được gia hạn nhưng quá hạn chưa nộp tiền sử dụng đất..., cơ quan Thuế sẽ kiên quyết cưỡng chế bằng việc thông báo hóa đơn không có giá trị sử dụng. Các Chi cục Thuế quản lý thu tiền sử dụng đất của dự án, sẽ cưỡng chế bằng việc trích tiền từ tài khoản đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản.

Thực tế, những biện pháp xử lý nghiêm mà ngành Thuế Hà Nội thực hiện đã phát huy hiệu quả. Sau khi ngành Thuế công khai danh sách các DN dây dưa nợ thuế, nhiều DN bị bêu tên, thậm chí cả DN nằm ngoài danh sách "đen", đã chủ động nộp số thuế còn nợ vào NSNN, hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế cam kết tiến độ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế còn nợ. Tính đến ngày 27-11, sau năm lần công khai số nợ thuế của 470 DN, đã có 242 đơn vị nộp tiền nợ thuế vào NSNN với tổng số tiền 1.475,5 tỷ đồng. Đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng khuyến cáo DN còn nợ thuế cần thu xếp nguồn và khẩn trương nộp nợ vào NSNN trước khi cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.

Có khả năng thu hồi 34 nghìn tỷ đồng nợ thuế

Theo thống kê của Vietnam Report, Ban tổ chức khảo sát 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2014, tổng số thuế mà các DN V.1000 đóng góp vào NSNN đạt 82.344 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng thu NSNN năm 2014. Các DN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm áp đảo, với số thuế đóng góp lần lượt chiếm 37,3% và 33,4% bảng xếp hạng. Điều này cho thấy, nếu không thực hiện nghiêm việc thu đúng, thu đủ số tiền thuế dây dưa, nợ đọng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong chính cộng đồng DN.

Thực tế cho thấy, số nợ đọng thuế trên địa bàn Hà Nội chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số nợ thuế trên cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện nay, nợ đọng thuế của DN đã lên tới 76 nghìn tỷ đồng. Ngoài những khoản nợ bất khả kháng do nguyên nhân khách quan, ngành Thuế sẽ tập trung vào khoản nợ 34 nghìn tỷ đồng mà DN có khả năng nhưng không chấp hành nghĩa vụ với NSNN. Để thu hồi khoản nợ thuế này, Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra. Hiện, cả nước có 506 nghìn DN tự khai, tự nộp thuế. Theo Luật Quản lý thuế, cơ quan Thuế phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 12-15% số DN này. Nếu năm nay dự kiến thu được 17.000 tỷ đồng thì năm sau vẫn còn khả năng thu tiếp số thuế nợ đọng này.

Sức nóng của vấn đề nợ đọng thuế cũng được thể hiện qua việc các đại biểu Quốc hội thẳng thắn chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua. Bởi, trong bối cảnh nguồn thu NSNN sụt giảm do giá dầu thô giảm mạnh, việc quyết liệt thu hồi 76.000 tỷ đồng nợ đọng thuế là một trong những biện pháp để cân đối thu-chi NSNN. Vấn đề này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối tháng 11. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN trong tháng 12, các bộ, ngành, địa phương cần thu hồi khoản nợ đọng hơn 70.000 tỷ đồng tiền thuế để bảo đảm cân đối NSNN.

Cùng với việc thanh, kiểm tra chống thất thu NSNN do ngành Tài chính thực hiện, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cũng cho biết, sẽ kiên quyết hơn trong quản lý nợ, nhất là đối với những DN chây ỳ, không hợp tác, không thu xếp nộp tiền nợ thuế. Với những biện pháp nghiêm khắc sẽ được thực hiện trong tháng cuối năm, nhiệm vụ thu NSNN dự kiến sẽ "cán đích" đúng hạn, tạo nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý doanh nghiệp nợ đọng hơn 76.000 tỷ đồng thuế: Tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.