(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hàng nghìn công trình xây dựng lớn, chủ đầu tư phớt lờ các quy định về bảo đảm môi trường đô thị...
Theo quy định, nhà thầu xây dựng phải có trách nhiệm dọn dẹp vật liệu rơi vãi, trả lại hè, đường phố, lối đi sạch sẽ cho khu vực trong quá trình thi công. Tuy vậy, khi khảo sát ở một số công trình trên địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông... phóng viên nhận thấy, hình ảnh nhếch nhác diễn ra khá quen thuộc.
Đất, cát tràn ngập trước công trình Diamond Flower Tower tại đường Lê Văn Lương. |
Tại đường Lê Văn Lương, bất kỳ ai đi bộ qua khu vực phía trước công trình Diamond Flower Tower (thuộc địa bàn phường Nhân Chính - Thanh Xuân) đều phải đi xuống lòng đường, hoặc phải trèo qua đống cát, đá, phế thải xây dựng chất đống ở vỉa hè. Không những thế, mặt vỉa hè bị bong tróc trông hết sức nhếch nhác. Cả một quãng đường dài phía trước công trình này là vệt cát do xe ben không che chắn gây ra. Mỗi khi có gió lớn, bụi cát bay mù mịt tạt vào người đi đường.
Tương tự, tại công trình cải tạo nhà i1, i2, i3 Thành Công (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) ở phố Thái Hà. Đoạn vỉa hè ở phía trước công trình thường xuyên bị chiếm dụng làm nơi tập kết phế thải xây dựng, đất cát tràn cả xuống lòng đường. Do mật độ xe qua lại đông, đất cát dính theo bánh xe làm mặt đường nhớp nháp cả đoạn dài. Tiếp đến, công trình cao ốc tại ngã ba phố 19-12 và phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) đang vào giai đoạn hoàn thiện, nhưng cả một đoạn vỉa hè sát liền kề biến thành địa điểm tập kết vật liệu, phế thải xây dựng. Điều đáng nói là vi phạm này diễn ra trong thời gian dài, song không được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, tình trạng thiếu che chắn, gây rơi vãi, bụi bẩn ảnh hưởng đến môi trường diễn ra phổ biến tại các công trình xây dựng. Thống kê sơ bộ cho thấy, tại địa bàn quận Hà Đông, hiện có hơn 100 dự án xây dựng khu đô thị, nhà cao tầng… cùng với hàng trăm công trình nhà ở của người dân. Tại đây, tình trạng vi phạm chủ yếu là thi công không cắm mốc biển hiệu, tên công trình, khu vực thi công không có biển hiệu, hàng rào che chắn… Số vi phạm này kéo theo hệ lụy ngoài việc gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến an toàn về giao thông cũng như đi lại cho người dân.
Để bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình, ngày 17-3-2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND, trong đó đã quy định: Chủ đầu tư hoặc tổ chức, cá nhân xây dựng công trình phải ký hợp đồng với đơn vị có đủ tư cách pháp nhân để thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đổ đúng nơi quy định. Đồng thời, xe vận chuyển vật tư, vật liệu rời, phế thải xây dựng, bùn, đất, chất thải sinh hoạt... phải là xe chuyên dùng hoặc phải có thùng xe kín khít, che chắn bảo đảm không chảy, rơi vãi vật tư, vật liệu, phế thải khi vận chuyển. Các phương tiện vận chuyển khi đi vào nội thành, nội thị và ra khỏi công trường phải được rửa sạch bảo đảm mỹ quan và không gây bẩn đường phố.
Quy định là vậy, song trên thực tế, những vi phạm nêu trên thường được các cơ quan chức năng xử lý nhẹ tay, không triệt để. Đề nghị Sở Xây dựng, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc lực lượng thanh tra xây dựng, cảnh sát giao thông, cảnh sát môi trường và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, xả rác thải, chất thải ra đường và nơi công cộng không đúng quy định, không kịp thời thu dọn phế liệu, vật liệu thừa sau thi công, không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khi thi công, bảo đảm cho đường phố Hà Nội được sạch đẹp, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.