(HNM) - Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 11/CT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim di động sai quy định, đã có khoảng 20 triệu sim rác bị thu hồi.
Người dân đăng ký sim di động tại các cơ sở không đủ thẩm quyền sẽ rất dễ bị lộ thông tin cá nhân. |
Nỗi niềm của các “khổ chủ”
Liên tục nghe điện thoại, xem tin nhắn, từ những câu trả lời lịch sự đến thể hiện thái độ bực bội, khó chịu, nhiều chủ thuê bao di động vẫn không thôi bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo. Đủ loại hàng hóa, dịch vụ được mời chào, từ những dự án bất động sản cao cấp đến hợp đồng vay vốn hỗ trợ lãi suất hay các gói bảo hiểm nhân thọ chăm sóc sức khỏe… đến các chương trình khuyến mãi, khóa học tiếng Anh… Không chỉ mời chào đơn thuần, nhiều tổ chức, cá nhân quảng cáo còn thực hiện các chiêu trò đề cao “khách hàng tiềm năng” hoặc “là một trong số ít khách hàng may mắn được chọn để tham gia chương trình tri ân, tặng quà”… để gây sự chú ý.
Khách hàng “tiềm năng” được nhắm tới nhiều nhất có lẽ là những doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Trong số những lời mời chào kinh doanh, đầu tư thì cũng không ít lời chào mời có tính chất ép buộc: “Tôi là cán bộ phòng, ban…, anh làm giám đốc doanh nghiệp kinh doanh phải mua cuốn sách về quyết toán thuế trong lĩnh vực… hạn cuối đăng ký vào ngày…”.
Theo Luật sư Hoàng Ngọc - Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và Cộng sự, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng mua bán, khai thác thông tin cá nhân dễ dàng như hiện nay: Tổ chức, cá nhân chưa có ý thức tự bảo vệ thông tin của mình, để rò rỉ thông tin hoặc không lường trước được việc làm lộ thông tin cho bên thứ ba bất kỳ. Nơi tiếp nhận lưu trữ thông tin cá nhân, tổ chức không có biện pháp hoặc thiếu biện pháp bảo vệ thông tin của cá nhân do mình được tiếp cận hoặc quản lý. Cơ quan chức năng còn xử lý việc trao đổi, mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức một cách thụ động, dẫn đến bên vi phạm coi thường, còn bên bị vi phạm thiếu lòng tin và ngại đấu tranh…
Cần nhiều hơn các biện pháp mạnh
Trong hệ thống pháp luật hiện hành đều có quy định và chế tài xử phạt, thậm chí cả truy cứu trách nhiệm hình sự khi quyền riêng tư cá nhân bị xâm phạm. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Luật Viễn thông quy định, thông tin cá nhân của chủ thuê bao không phải là thông tin có thể công khai hoặc rao bán như một loại hàng hóa. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng xác định việc các tổ chức, cá nhân liên tục điện thoại, nhắn tin tiếp thị dịch vụ, sản phẩm trái với ý muốn của người tiêu dùng, gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc sinh hoạt bình thường của họ là hành vi quấy rối bị nghiêm cấm… Nhưng thực trạng mua bán thông tin cá nhân, trong đó có số thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông và việc mua bán sim thuê bao di động sai quy định vẫn tiếp tục diễn ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, nhiều đơn vị, tổ chức, trong đó có các doanh nghiệp viễn thông chưa tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ bí mật thông tin của khách hàng. Bên cạnh đó, cũng có một phần từ sự thiếu ý thức trong tự bảo mật thông tin cá nhân và trách nhiệm đăng ký chính xác thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Một giải pháp được Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo thực hiện thời gian qua là ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác tới các chủ thuê bao dịch vụ, qua đó giảm thiểu tác hại của việc một số đối tượng xấu sử dụng thông tin cá nhân chiếm đoạt được vào mục đích không lành mạnh. Bộ đã chỉ đạo ngăn chặn việc mua bán, lưu thông sim thuê bao di động sai quy định, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Sở tăng cường phối hợp với các đơn vị công an kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Tuy chưa hẳn chặn được tận gốc vấn đề, song giải pháp này cũng phát huy hiệu quả khá tích cực.
Chỉ tính riêng trong tháng 4-2017, Tập đoàn VNPT đã chặn trên 961.000 tin nhắn rác, trung bình khoảng 32.000 tin nhắn/ngày bị chặn. Tổng số thuê bao bị chặn khoảng 7.787 thuê bao, tương đương khoảng 260 thuê bao/ngày, tỷ lệ chặn thành công 91%, còn sót khoảng 9%. VNPT đã hủy hợp đồng với 20 đại lý ủy quyền vì thực hiện không đúng quy định; khóa khoảng 6,1 triệu thuê bao theo tiêu chí của Bộ.
Như vậy, bên cạnh việc các đơn vị viễn thông phải tuân thủ pháp luật, có biện pháp bảo vệ thông tin của khách hàng một cách thỏa đáng thì mỗi cá nhân, tổ chức cũng phải có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ thông tin của mình. Tuy nhiên, nếu trách nhiệm vẫn chưa được chỉ rõ thì câu hỏi "xử lý ai, ai xử" vẫn rất khó có câu trả lời...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.