Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý 918 người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng

Khánh Thu| 08/12/2016 16:44

(HNMO) – Nhân ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 9-12, ngày 8-12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy của LHQ tại Việt Nam (UNODC) tổ chức hội thảo bàn tròn về chu trình thứ hai đánh giá việc thực thi Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC), nhằm chia sẻ thông tin, thảo luận về công tác chuẩn bị của Việt Nam cho chu trình thứ hai đánh giá việc thực thi UNCAC trong các nội dung phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản.


Tham nhũng được đánh giá là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo ước tính của UNDP, mỗi năm có 1.000 tỷ USD được sử dụng để hối lộ, khoảng 2.600 tỷ USD bị đánh cắp thông qua tham nhũng (tương đương 5% GDP của toàn cầu). Ở các nước đang phát triển, số tiền bị thất thoát do tham nhũng bằng khoảng 10 lần số ngân sách dành cho viện trợ phát triển chính thức.

UNCAC là văn bản có tính ràng buộc pháp lý đầu tiên trong chống tham nhũng, hiện có 177 quốc gia thành viên, điều chỉnh 4 lĩnh vực chính: phòng ngừa; hình sự hóa và các biện pháp thực thi pháp luật; hợp tác quốc tế; tịch thu tài sản tham nhũng. Năm 2017, Việt Nam được lựa chọn là quốc gia được đánh giá việc thực hiện UNCAC; phối hợp với các quốc gia khác đánh giá việc thực hiện UNCAC ở quốc đảo Salomon, CHDC Công-gô. Hội thảo là cơ hội để tìm hiểu về UNCAC, những nội dung được đánh giá trong chu trình thứ hai, tìm giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2017.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày cơ chế đánh giá của UNCAC, các đề xuất tăng cường việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong giám sát, xử lý tham nhũng tại Việt Nam. Trong đó, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng đã trình bày những nỗ lực của Việt Nam trong phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản, nhấn mạnh các giải pháp: công khai, minh bạch; cải cách hành chính; minh bạch tài sản; xử lý người đứng đầu; trách nhiệm giải trình… Trong đó, Việt Nam đã ban hành mới gần 35.000 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xử lý 918 người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng (kỷ luật 800 người, xử lý hình sự 118 người)...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xử lý 918 người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.