Khẩn cấp chống sạt lở (HNM)-UBND TP Hà Nội vừa gửi Công văn số 6719/UBND-NN báo cáo Bộ NN&PTNT về thực trạng vi phạm và xử lý vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn cho biết, đến tháng 7-2010, sau 3 năm thực hiện Luật Đê điều, Hà Nội xảy ra 1.064 vụ vi phạm, trong đó năm 2008 là 272 vụ, năm 2009 là 440 vụ, 7 tháng năm 2010 có 353 vụ.
Hiện nay, tình hình vi phạm Luật Đê điều vẫn đang diễn ra phức tạp và nguyên nhân chính là do một số quận, huyện thiếu tập trung chỉ đạo; việc xử lý các vi phạm thiếu kiên quyết, dứt điểm; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Vì vậy, 3 năm qua, toàn thành phố mới xử lý được 254/1.064 vụ vi phạm Luật Đê điều.
lSở NN&PTNT vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép ưu tiên xử lý khẩn cấp hộ chân, chống sạt lở bờ tả sông Hồng thuộc quận Long Biên. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diễn biến sạt lở khu vực bờ tả sông Hồng từ K64+500 - K67+300 thuộc các phường Ngọc Thụy, Ngọc Lâm và Bồ Đề (Long Biên) xảy ra thường xuyên và phức tạp. Vào tháng 10-2006, tại khu vực tổ 2, Yên Tân, phường Ngọc Thụy đã bị sạt lở kéo dài 250m, ăn sâu vào bờ 5-20m, độ chênh cao 3-4,5m lở đứng thành. Tháng 8-2007, cũng tại khu vực này tiếp tục xảy ra sạt lở 145m gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều hộ dân... Tại phường Bồ Đề, vị trí từ K66+500 - K67+200 cũng bị sạt lở trong tháng 9-2006 gây ảnh hưởng trực tiếp đến 12 hộ dân. Nguy hiểm hơn, tại phường Ngọc Lâm vào cuối tháng 5-2010 xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại K66+500 - K67+700 làm nhiều công trình xây dựng của dân bị nghiêng đổ, nứt nhà... ảnh hưởng đến đời sống của một số hộ dân thuộc liên gia 3, tổ 27, phường Ngọc Lâm.
lTheo phòng NN&PTNT huyện Đan Phượng: Đê sông Hồng qua địa phận huyện Đan Phượng đang xuất hiện 14 hố sụt, sập tổ mối trên tuyến đê Vân Cốc từ K8+950 - K14+650 phía thượng lưu ở cao trình +13 đến cao trình +15. Hệ thống sông Hồng nhiều năm không phải chống lũ lớn, đê khô nên tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.