Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng để phát triển bền vững

Chí Đạo| 24/03/2012 07:12

(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang hướng đến một nền nông nghiệp đô thị áp dụng công nghệ cao để làm ra nông sản bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm. Để thực hiện chiến lược này, TP đang tập trung giải quyết các vấn đề về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu việc làm và đầu tư khoa học công nghệ, giống mới.


Tăng thu nhập từ nông sản hàng hóa giá trị cao

Chị Đào Thị Quý Cúc (khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7): "Nhà tôi đã hơn 20 năm làm nghề cây cảnh, bon sai. Khoảng 10 năm nay diện tích nông nghiệp đã giảm đáng kể, vì vậy chúng tôi phải tìm cách sử dụng đất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thị trường". Nhà có 4 lao động, chỉ vẻn vẹn 500m2 đất nhưng chị đã mở "Trung tâm hoa, cây kiểng, cây trồng Ngọc Sơn" để tiện giao dịch với các bạn hàng trong và ngoài TP. Các loại cây trồng đa dạng, đủ chủng loại, giá trị từ vài chục nghìn đến 50 triệu đồng/cây, mỗi tháng cũng thu được khoảng 100 triệu đồng. Nhà chị Ngô Thị Hải (cùng ở phường Tân Hưng, quận 7) lại mở cửa hàng kinh doanh, liên kết với nhiều hộ trồng bon sai, sen, súng và các loại cây văn phòng ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 12… Chị Hải cho biết, hiện nông dân quận 7 đã thành lập Hội cây kiểng, bon sai để cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, chung sức phát triển nghề hơn nữa.

Chị Ngô Thị Hải chăm sóc vườn cây tại gia đình.


Theo Sở NN&PTNT, nghề trồng hoa, cây cảnh phát triển mạnh ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và Thủ Đức, với diện tích khoảng 2.000ha. Bà Lê Hồng Hoanh, Phó Giám đốc sở, cho biết, TP sẽ ưu tiên giữ lại các vùng đất, mặt nước có lợi thế về sản xuất nông sản hàng hóa như trồng hoa, cây cảnh để tập trung đầu tư công nghệ cao, nâng cao giá trị. Dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ tăng diện tích lên khoảng 2.250ha. Ngoài trồng hoa, từ năm 2002, TP cũng phát triển loại hình HTX trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, có nhiều HTX trồng rau sạch như Ngã  Ba Giồng, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi)... đã bước đầu đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích gieo trồng rau ở thời điểm này đạt khoảng 13.515ha, trong đó diện tích rau an toàn chiếm tới 98%.. TP cũng duy trì, phát triển đàn bò sữa gần 83.000 con; phát triển chăn nuôi các loại con đặc sản, giá trị cao như chim yến tại huyện Cần Giờ (sản lượng năm 2011 đạt 900kg); tăng đàn cá sấu (hiện có hơn 175.000 con); nuôi cá cảnh (năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, TP đã xuất khẩu được gần 9 triệu con, giá trị kim ngạch đạt trên 12 triệu USD)…

Mặc dù đã đạt một số thành tựu đáng kể, nhưng theo bà Lê Hồng Hoanh, nông nghiệp TP vẫn chưa phát triển bền vững, chưa khai thác hết quỹ đất nông nghiệp, sản xuất còn nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp. Đáng nói là việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, làm giảm giá trị nông sản, gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho nông sản sạch... Trong khi đó, hệ thống thủy lợi, đê bao chống ngập chưa được hoàn thiện, một số khu vực cao trình thấp thường xuyên bị ngập lụt, triều cường như quận 12, huyện Hóc Môn…

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Để khắc phục những hạn chế, TP Hồ Chí Minh đã định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị với việc thành lập các Khu Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Khu NNCNC huyện Củ Chi với diện tích gần 100ha, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên 150 tỷ đồng (gồm đường giao thông, điện, xử lý nước thải, công nghệ thông tin…) hiện được xem là mô hình điểm của cả nước. Tuy mới thực hiện giai đoạn 1 nhưng đã có 14 dự án đầu tư vào đây với tổng diện tích gần 57ha, vốn đầu tư 452 tỷ đồng (bình quân vào khoảng 8 tỷ đồng/ha). Đây là khu NNCNC đầu tiên ở nước ta đáp ứng tiêu chuẩn của Luật Công nghệ cao, áp dụng công nghệ hiện đại như nuôi trồng bằng phương pháp thủy sinh, trồng rau, trồng hoa trong nhà kính, nhà lưới, trồng rau trên giá thể nhiều tầng… TP cũng đang xúc tiến mở rộng các khu NNCNC khác, như khu đất 61ha thuộc xã Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), khu 84ha tại Hào Võ (huyện Cần Giờ) chuyên về thủy sản nước lợ; khu 100ha tại huyện Bình Chánh chuyên về chăn nuôi. Đồng thời, Trung tâm Công nghệ sinh học cũng vừa được khởi công xây dựng với diện tích 23.000ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, sẽ là nơi tập trung nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đào tạo và sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, y học và môi trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí cho rằng, nếu phát huy thế mạnh về khoa học công nghệ và đội ngũ đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, TP sẽ tạo ra được nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tới đây, TP sẽ liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận để tạo ra những vùng sản xuất rộng lớn, trong đó TP sẽ đóng vai trò cung cấp cây - con giống, hỗ trợ sau thu hoạch như bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm, phát triển thị trường. Tuy nhiên, để đẩy nhanh việc hình thành các khu NNCNC, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi; các bộ, ngành liên quan cần sớm đưa ra tiêu chí khu NNCNC làm cơ sở kêu gọi đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.