Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xứ Đoài lại trải chiếu chèo

Bạch Thanh| 25/09/2011 07:18

(HNM) - Làng quê Thạch Thất thuộc vùng xứ Đoài nổi tiếng với nhiều chiếu chèo cổ. Tuy nhiên, thời kỳ sau chiến tranh kinh tế khó khăn, nhiều chiếu chèo đã tan rã. Giờ đây, ở nhiều xã, tiếng hát chèo lại vang lên.

Nhiều vùng quê xứ Đoài nổi tiếng ở những Chiếu Chèo cổ. Ảnh: Huỳnh Mai


Lâu lắm rồi, người dân xã Dị Nậu (Thạch Thất) mới được xem lại các tích chèo cổ như: "Thị Mầu lên chùa", "Xã trưởng, mẹ Đốp"... hấp dẫn như vậy. Dịp Rằm tháng Tám vừa qua, những người yêu chèo trong xã đã tập hợp, biểu diễn trước là để phục vụ dân làng, sau là để phục hồi vốn cổ. Bà Nguyễn Thị Sửa, thôn Dị phấn khởi cho biết: Dù sân khấu còn sơ sài, phục trang đơn giản, song rất nhiều khán giả đến động viên, khích lệ. Cùng với nhiều xã khác trong huyện, tiếng hát chèo đã tồn tại ở Dị Nậu như một phần tất yếu của cuộc sống. Vào những năm 1960, đội chèo của xã có 50 người, ban ngày tham gia sản xuất, chi viện cho chiến trường; ban đêm tụ hội biểu diễn phục vụ dân làng, cổ vũ tinh thần lạc quan, hăng say lao động sản xuất. Mất chừng mấy mươi năm tiếng hát chèo trùng xuống, nay phong trào lại "bùng lên". Tiếng í a lại vang lên trong những nhà văn hóa thôn nơi các bà, các chị, các ông tập chèo. Các làng đã tập hợp được người yêu chèo và đang đề nghị thành lập CLB chèo của xã.

Nếu như ở Dị Nậu đã và đang nhen nhóm trở lại những chiếu chèo thì ngay xã bên cạnh - Canh Nậu tình yêu chèo giường như "cháy lên" trong những người yêu "vốn cổ". Bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng cụm dân cư số 11, cũng là một trong những thành viên CLB chèo của xã cho biết, khoảng 7 năm trở lại đây, phong trào hát chèo trong xã phát triển rất mạnh. CLB chèo của Canh Nậu hiện có 18 thành viên đều là những người rất say chèo. Bà Hoa khẳng định. Từ những vở chèo cổ đặc sắc như: Súy Vân giả dại, Thị Mầu lên chùa, Từ Thức gặp tiên, Lưu Bình - Dương Lễ, Xã trưởng - mẹ Đốp, Thầy đồ dạy con... đến các vở chèo mới do người làng tự biên, tự diễn như: Tiễn anh lên đường, Tiếng hát đồng quê, Tình trước nghĩa sau… đều được đánh giá cao khiến không chỉ người già say sưa  mà còn hấp dẫn cả thanh, thiếu niên đến xem. Ông Đỗ Đăng Soạn, cán bộ văn hóa xã Canh Nậu không giấu niềm vui khoe rằng: "Không chỉ là thú vui, mà chèo còn đem lại cho Canh Nậu những vinh dự khi nhiều lần đoạt huy chương, bằng khen tại các kỳ hội diễn. Gần đây nhất là vở "Nước mắt ngược dòng" HCV Hội diễn nghệ thuật quần chúng Hà Tây; HCB vở diễn "Tình trước nghĩa sau" tại hội thi Tiếng hát Cựu chiến binh toàn quốc cách đây ít năm…

Theo Phó Giám đốc Nhà Văn hóa huyện Thạch Thất Nguyễn Văn Vệ, từ thời phong kiến, Thạch Thất nổi lên những phường chèo điển hình với những nghệ nhân như: cụ Nguyễn Khắc Nhân ở Canh Nậu, cụ Nguyễn Văn Khánh ở Lại Thượng, cụ Nguyễn Thị Đo ở Thúy Lai... Chèo xứ Đoài từ lâu nổi tiếng nhờ sự dung dị rất đặc trưng của người dân lao động vùng văn hóa sông Hồng. Từ làng quê, giếng nước, sân đình, chèo Đoài vươn tới những sân khấu lớn với những diễn viên chuyên nghiệp một đời cống hiến cho nghệ thuật truyền thống quê hương mà nổi danh nhất là vua chèo đất Bắc - cố NSND Tào Mạt. Ngày nay, Thạch Thất vẫn còn 10 xã tập trung đông người hát chèo như Đại Đồng, Canh Nậu, Dị Nậu, Chàng Sơn, Bình Phú, Phú Kim, Cẩm Yên... - Ông Vệ cho biết.

Sự hồi sinh của chèo bắt nguồn từ tình yêu nghệ thuật truyền thống, huyện Thạch Thất cũng đã mở các lớp tập huấn hát chèo, mời giáo viên của Nhà hát Chèo Việt Nam về truyền dạy, gần đây nhất là lớp dạy hát chèo cho 50 học viên đến từ các xã trong huyện. Rồi, "đất chèo" cũng có may mắn được hưởng 2 dự án hỗ trợ kinh phí cho CLB chèo 2 xã Canh Nậu và Đại Đồng trong các năm 2007, 2008 với 100 triệu đồng/CLB. Dẫu biết rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, song tình yêu chèo vẫn không ngừng chảy trong mỗi người dân Thạch Thất. Họ sẵn sàng tập luyện, biểu diễn, tự đóng góp kinh phí để hoạt động với mong muốn được gìn giữ, cống hiến cho nghệ thuật chèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứ Đoài lại trải chiếu chèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.