Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xót xa làng cổ Cự Đà

Triệu Dương| 05/05/2011 06:16

(HNM) - Đến Cự Đà hôm nay, thấy các dự án xây dựng đô thị mới loang lổ như xôi đỗ bao vây ngôi làng cổ. Có tiền đền bù đất dự án, nhiều người không ngần ngại phá bỏ những ngôi biệt thự cũ, đẹp thì có đẹp nhưng đã quá ọp ẹp vì không được trùng tu, để xây nhà cao tầng bê tông. Làng cổ cũng theo đó mà teo dần.


Làng có nhiều biệt thự
Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai vẫn giữ được nhiều ngôi nhà cổ xây theo lối kiến trúc Pháp. Không chỉ có những hoa văn được đắp vẽ tinh tế trên mặt tiền của các tòa nhà mà ngay đến những viên gạch hoa lát nền vẫn còn ghi rõ thời gian sản xuất tại Pháp từ những năm 1910-1920, cho thấy sự cầu kỳ của chủ nhân. Có nhà nghiên cứu văn hóa đã ví von: nói về bức tranh các biệt thự cổ ở Hà Nội, thì nét độc đáo của những biệt thự ở Cự Đà giống như mảng "hóa thạch" mà nhiều nơi đã mất đi. Những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phong cách Tây được sắp đặt hài hòa với nét phương Đông như dòng chữ Hán đắp nổi giống như bức hoành phi đặt trên mặt tiền cửa chính... là minh chứng cho thấy chủ nhân đầu tiên của ngôi làng biệt thự này phải là những bậc cự phú.

Ngược dòng thời gian, theo lời kể của các bậc cao niên trong làng và "tầm chương, trích cú" trong sử sách thì thấy, do vị trí địa lý "nhất cận thị, nhị cận giang" nên ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước, Cự Đà đã nổi tiếng khắp xứ Bắc kỳ về sự giàu có. Người làng, ngoài những địa chủ và nhà thầu phất lên nhờ thầu lại ruộng, còn rất nhiều cự phú với nghề buôn gỗ, buôn vải dọc theo tuyến sông Hồng. Một thời, những Cự Doanh, Cự Chân, Cự Phát nổi tiếng dệt may, buôn bán mở hiệu ở đất Hà thành chính là người Cự Đà. Kiếm được nhiều tiền ngoài Hà Nội, họ về quê xây nhà, vừa lấy tiếng, vừa có chốn đi về hội hè, giỗ chạp. Nhiều người trong làng còn nhớ, vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có người làng Cự Đà lại lái xe hơi về, bóp còi toe toe làm nhộn nhạo cả một vùng quê yên ả.

Ngoài biệt thự, trong làng, những cây cột đèn điện cũng được dựng trên các trục đường chính từ năm 1929, lúc mà toàn vùng chưa có điện thì làng đã sáng ánh đèn, xây lan can bao bọc cả một khúc sông Nhuệ khiến cảnh vật nên thơ. Trong làng còn có cả nhà Thọ từ - một dạng trường học, nhà Hội đồng xây theo kiến trúc Pháp để hội họp, từng ngõ xóm được đánh số nhà như ngoài phố lớn...

"Nói suông" sao giữ được làng cổ?
Anh Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã lộ vẻ tiếc nuối khi kể về làng mình. Anh tiếc cho những ngôi nhà cổ mang phong cách kiến trúc Pháp cách đây ngót trăm năm cùng với hệ thống đình chùa được xếp hạng di tích quốc gia mà chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tại, Cự Đà còn 50 ngôi biệt thự kiểu Pháp, phổ biến nhất là kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ với phù điêu, họa tiết đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà lát gạch hoa.

Những ngôi nhà cổ ở Cự Đà đang có nguy cơ “mất tích”.


Chúng tôi đã tới ngôi nhà số 181 xóm Đồng Nhân Cát, chủ nhà là ông Vũ Văn Thắng cho biết: Nhiều nhà cổ cửa kính đã vỡ hết, cửa sổ bị bịt kín bằng vôi vữa, trần nhà mục nát, thi thoảng cả đống vữa trộn rơm rơi ụp xuống nền nhà nhưng chẳng mấy người muốn sửa sang vì sợ dỡ ra sẽ làm hỏng hết kiến trúc tổng thể. Nhà số 152 xóm An Lạc của ông Đinh Văn Tường cũng không khá hơn. Ông Đinh Văn Tường mua ngôi biệt thự này 25 năm trước. Lúc ấy, tầng một vẫn còn nguyên những phù điêu, họa tiết đắp nổi, tầng hai gần như chỉ còn lại tường bao. Đến nay, ngôi biệt thự hai tầng này đã ngót 100 tuổi. Và cũng chính tại ngôi nhà này, năm 1947 tự vệ Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 quân lê dương và lính Pháp. Biệt thự bị bắn phá nham nhở. Ông chủ biệt thự tâm sự, dù nhà cũ, hỏng khiến cuộc sống gặp không ít khó khăn, nhưng gia đình vẫn cố giữ nguyên trạng.

Nhìn chung, biệt thự trong làng đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên trong cái bề ngoài đẹp và đường bệ là những phòng ở bị ngăn bằng cót ép, hoặc bằng những bức tường xây con kiến. Cột xà gồ phần lớn đã mục, được chống đỡ tạm bợ bằng tre. Nhiều ngôi nhà đã thay ngói, mới cũ lẫn lộn, thậm chí phủ giấy dầu cho khỏi dột. Một số chủ nhân, vì quá bức bách về chỗ ở đã phá biệt thự cũ để làm nhà mái bằng. Vài năm trước, trong đường chính của làng nhiều chỗ vẫn còn những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng nay người ta đập đi để đổ bê tông, nhiều cột điện từ năm 1929 cũng không còn.

Không phải đến bây giờ mà từ lâu rồi, lãnh đạo xã Cự Đà và chủ nhân các ngôi biệt thự đều có ý thức bảo tồn nhà cổ. Nhưng, từ ý muốn đến thực tế còn có bao khó khăn, vướng mắc. Nhà cổ thuộc quyền sở hữu của người dân, họ thấy bất tiện thì phá, xây mới, xã chẳng thể có tiền hỗ trợ trùng tu, tôn tạo, biết nói gì để vận động dân giữ gìn giá trị văn hóa vật thể một cách thuyết phục, hiệu quả. Hoạt động được đánh giá là tích cực nhất của xã là cử  cán bộ thường xuyên tới... "khuyên" người dân nên giữ nguyên hiện trạng. Bởi thế đến Cự Đà hôm nay mới thấy dự án xây dựng đô thị mới loang lổ như xôi đỗ bao vây ngôi làng cổ. Có tiền đền bù đất dự án, nhiều người không ngần ngại phá bỏ những ngôi biệt thự cũ, đẹp thì có đẹp, nhưng đã quá ọp ẹp vì không được trùng tu, để xây nhà cao tầng bê tông, ở thoải mái hơn. Làng cổ cũng theo đó mà teo dần.

Bên chén trà, các cụ già chỉ biết than thở: Nhìn những ngôi biệt thự đang bị phá dần, ngẫm mà tiếc chảy máu mắt. Nhưng cũng chịu thôi, trong cơn bão đô thị hóa, tấc đất, tấc vàng, muốn giữ chút riêng cho làng, cho Cự Đà khác với bao làng đã bị bê tông hóa, thì chỉ trông vào những chủ nhân các ngôi biệt thự. Chứ vận động suông, sao mà được cơ chứ!...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót xa làng cổ Cự Đà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.