Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xót thương trẻ thơ bị bỏng!

Quỳnh Anh| 27/08/2013 06:50

(HNM) - Khi mới chào đời, các em xinh xắn, bụ bẫm, đáng yêu biết bao. Vậy mà chỉ vì một phút bất cẩn của bố mẹ, các em phải mang trên mình những vết sẹo chằng chịt, gớm ghiếc đủ mọi kích cỡ. Nỗi ám ảnh thương tật sẽ không đeo bám các em suốt cả cuộc đời nếu các bậc phụ huynh quan tâm,

Trẻ em luôn cần được quan tâm, chăm sóc cẩn thận để tránh những tai nạn rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Khánh Nguyên


Vào Viện Bỏng quốc gia, điều dễ nhận thấy nhất là hình ảnh những bệnh nhân bị bỏng băng trắng quấn đầy mình, chỉ chừa đôi mắt, khiến ai cũng thương cảm. Xót xa nhất là những tiếng khóc như xé lòng của những đứa trẻ vừa lên ba, lên bốn mỗi khi được thay băng để điều trị bỏng. Bé Anh Thư, 1 tuổi, quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, bị bỏng sâu ở mặt, cổ, ngực và tay. Vết bỏng đau rát nên bé khóc ngằn ngặt mặc sự dỗ dành, cưng nựng của người thân. Mẹ bé cho biết: "Hôm đó, tôi vừa bế cháu, vừa chuẩn bị nấu ăn trong bếp. Do có việc, tôi để cháu ngồi ở ghế, rồi đi ra ngoài sân. Nào ngờ chưa được vài phút thì tôi nghe thấy tiếng khóc thét của cháu. Tôi chạy vào thì thấy lửa bếp bén vào quần áo của cháu, dẫn đến cháu bị bỏng lửa như thế này. Giá như tôi cẩn thận hơn, trước khi ra khỏi bếp bế cháu theo cùng thì đâu ra nông nỗi này".

Bé Ánh Ngọc, 3 tuổi, quê ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, bị bỏng nước sôi vùng ngực, sườn trái và cả cơ quan sinh dục, diện tích bỏng lên tới 30%. Theo lời kể của mẹ bé, nhà làm đậu phụ bán. Như mọi ngày, khi mẹ đang làm đậu thì bé chỉ đứng ở cửa nhìn. Nhưng hôm đó, mẹ làm đậu, bé lại gần chơi đùa. Khi mẹ bé đang loay hoay đi lấy cái túi để vắt đậu thì bé nghịch ngợm làm đổ nồi đỗ tương vừa đun sôi. "Nghe tiếng con khóc thét, tôi vội vàng chạy vào thì nước đậu nóng đã bắn lên người cháu gây bỏng. Cũng vì tôi sơ ý không đậy vung kín, cháu mới lại gần cầm muôi trong nồi quấy nghịch làm đổ nồi đỗ tương" - Mẹ bé Ngọc xót xa. Khi vào viện, bé Ngọc phải điều trị tích cực ở Khoa Hồi sức cấp cứu, sau đó mới chuyển lên Khoa Bỏng trẻ em. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của bé Ngọc đã ổn định nhưng trên người phải mang nhiều vết sẹo chằng chịt.

Đại tá Trương Hoàng Thành, Chủ nhiệm chính trị Viện Bỏng quốc gia, cho biết có tới hơn 60% ca bỏng được đưa đến Viện Bỏng quốc gia là trẻ em, trong đó phần lớn từ 1 tuổi đến 5 tuổi. "Nguyên nhân gây bỏng rất đa dạng nhưng phần đông có điểm chung là gia đình sơ suất để các cháu đến gần bếp lửa, nước nóng, thức ăn nóng, đèn dầu, đồ điện... Số bệnh nhi nhập viện do bỏng thường tăng mạnh vào mùa hè bởi đây là thời gian trẻ được nghỉ hè, do bố mẹ đi làm không có người quản lý nên rất dễ xảy ra tai nạn" - Đại tá Trương Hoàng Thành nói.

Vấn đề đáng lo nhất trong điều trị bỏng vẫn là người lớn thiếu kiến thức về cách sơ cứu cho trẻ khi bị bỏng, dẫn tới trẻ được đưa vào viện thì tình trạng đã rất nguy kịch. Có khoảng 2/3 số bệnh nhi bỏng bị gia đình sơ cứu sai trước khi đưa tới bệnh viện. Rất nhiều phụ huynh mắc phải những sai lầm trong sơ cứu bỏng cho trẻ em như khi thấy con bị bỏng liền lấy nước mắm, kem đánh răng, lòng trắng trứng gà... đổ và xoa vào chỗ bỏng của trẻ. Ở vùng nông thôn, phần nhiều trẻ khi bị bỏng nhẹ, phụ huynh thường đưa trẻ tìm đến các thầy lang để chữa trị bằng thuốc nam hoặc tự ý chữa mẹo bằng các bài thuốc dân gian. Đây là việc làm nguy hại khiến vết thương trở nên nặng hơn, gây tai biến, để lại di chứng nặng nề hơn cho trẻ.

Tai nạn bỏng không chỉ gây ra sự đau đớn về thể xác mà còn khiến trẻ hoảng loạn về tinh thần như ngủ hay giật mình, sau khi điều trị khỏi thì khó hòa nhập hoặc mất nhiều thời gian để hòa nhập môi trường của các em ở trường hay nơi ở. Những trường hợp bỏng độ 1 - 2, không có bỏng sâu thì hậu quả không đáng kể hoặc đối với những trường hợp bỏng nông thì có thể không cần phẫu thuật nhưng những trường hợp bỏng sâu có thể để lại hậu quả nặng nề về thẩm mỹ và chức năng như rối loạn sắc tố da, sẹo co kéo, sẹo dính, biến dạng khớp vai, gù vẹo cột sống, khuyết hụt tổ chức (cắt cụt chi), thậm chí tử vong. Ở trẻ em, hậu quả do bỏng gây ra thường nặng nề hơn người lớn do các em đang trong độ tuổi phát triển về thể chất và tinh thần.

Phải làm gì khi trẻ nhỏ bị bỏng?
1. Loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có tác nhân.
2. Cởi bỏ ngay quần áo. Ngâm ngay phần bị bỏng vào nước sạch hoặc dưới
vòi nước đang chảy (nhiệt độ nước khoảng 15 - 20oC là tốt nhất. Thời gian khoảng 15 - 20 phút).
3. Không bôi bất cứ thuốc hoặc hóa chất nào lên vết bỏng. Giữ vết bỏng sạch, sau đó băng nhẹ vết bỏng bằng gạc vô khuẩn.
4. Tìm mọi cách đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (khi trẻ còn tỉnh táo). Tránh chuyển trẻ đi khi còn đang sốc.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xót thương trẻ thơ bị bỏng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.