(HNM) - Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành GD-ĐT Hà Nội. Điều này càng trở nên cấp thiết từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, khi số lượng và chất lượng giáo viên (GV) cấp học mầm non còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc triển khai Đề án phổ cập mẫu giáo 5 tuổi.
Vì thế, việc lựa chọn đúng người, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được đặt ra ngay từ khâu tuyển dụng.
Việc xét tuyển giáo viên mầm non được cho là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Ảnh: Bảo Kha |
Chỉ tiêu tuyển dụng tăng gấp ba
Trong tháng 7 này, Hà Nội sẽ tuyển dụng thêm 7.502 GV, nhân viên (NV) vào các trường mầm non, tiểu học, THCS để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu trước ngày khai giảng năm học 2011-2012. Việc quyết định phương thức tuyển dụng như thế nào để bảo đảm thực chất trong đánh giá, chọn được đúng người tài là bài toán không dễ giải với các quận, huyện, thị xã khi được trao quyền tự chủ.
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 1 triệu cán bộ quản lý, GV, NV các cấp học, trong đó có gần 81 nghìn GV. Thời gian qua, công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV, NV toàn ngành tiếp tục được quan tâm cụ thể và thiết thực. Nguồn kinh phí cho công tác đào tạo bồi dưỡng trong năm 2011 đạt tới 15,75 tỷ đồng, tăng hơn năm trước 2,3 tỷ đồng. Đội ngũ ấy đã dần có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, tuy nhiên đây đó vẫn còn tình trạng cơ cấu GV chưa đồng bộ, trình độ GV một số nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Hình thức tuyển dụng dự kiến đối với giáo viên các cấp học
|
Để bổ sung nguồn nhân lực còn thiếu và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành, năm nào Hà Nội cũng tổ chức tuyển dụng thêm GV, NV. So với năm 2010, chỉ tiêu tuyển dụng năm 2011 đã tăng gấp hơn 3 lần, tạo thêm nhiều cơ hội cho những người yêu thích, gắn bó với nghề dạy học. So với năm 2009, số lượng này cũng tăng hơn 2.000 người. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thể tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Với việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng GV, NV, chịu trách nhiệm về chất lượng đội ngũ, chất lượng GD-ĐT của các đơn vị trên địa bàn mình quản lý, ít ai dám tuyển bừa hoặc lợi dụng quyền hạn để làm tiêu cực. Cũng vì thế, năm 2009, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là hơn 5.000 người và có đến hơn 14.000 người đăng ký dự tuyển, các đơn vị cũng chỉ tuyển được gần 4.500 người.
Băn khoăn tuyển dụng GV mầm non
Sau hơn 3 năm chờ đợi, năm nay, cấp học mầm non mới được tuyển dụng thêm GV, NV. Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội đã phê duyệt, trong tổng số 7.502 chỉ tiêu tuyển dụng năm 2011, có tới gần 81% số lượng chỉ tiêu dành cho cấp học này. Đây là cơ hội để đội ngũ GV, NV cấp học mầm non "xốc" lại mình, cũng là tin vui với những người muốn gắn bó lâu dài với nghề nuôi dạy trẻ, giúp họ thêm yên tâm cống hiến.
Theo dự thảo kế hoạch tuyển dụng năm 2011 của ngành, phương án xét tuyển GV mầm non được hầu hết các đơn vị đánh giá là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Lý do là sau một thời gian dài chờ đợi, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều thiếu GV mầm non trầm trọng nên số lượng chỉ tiêu tuyển dụng lớn, việc áp dụng hình thức thi tuyển sẽ rất cồng kềnh, khó khăn. Đơn cử như huyện Ba Vì có tới 376 chỉ tiêu tuyển dụng, Thanh Trì - 322 người, Chương Mỹ - 317 người, Ứng Hòa - 293 người, Sóc Sơn - 291 người, Hà Đông - 289 người… Việc xét tuyển cũng sẽ bảo đảm khách quan hơn cho những thí sinh (TS) đang dạy tại các trường, vì họ đã có thời gian thể hiện năng lực sư phạm, trình độ chuyên môn và gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, những vấn đề cụ thể trong quy định ưu tiên để bảo đảm công bằng cho mọi TS dự thi lại khiến khá nhiều đơn vị bày tỏ sự băn khoăn. Đơn cử như việc cộng điểm cho những người có trình độ chuyên môn đào tạo theo ngạch dự tuyển cao hơn tiêu chuẩn quy định. Theo ý kiến của đa số các quận, huyện, thị xã, quy định cộng 7 điểm vào tổng kết quả xét tuyển đối với TS có bằng ĐH là chưa công bằng so với việc cộng 5 điểm cho TS có bằng CĐ. Làm như vậy sẽ gây thiệt thòi lớn với các TS học ĐH, và đây thường là những TS thực sự có tài. Thực tế tuyển dụng tại cơ sở cho thấy, hầu hết TS được vào vòng xét tuyển đều có bằng CĐ hoặc TCCN, để lọt khá nhiều những người có bằng ĐH.
Cũng về vấn đề cộng điểm ưu tiên, đại diện Phòng GD-ĐT huyện Ứng Hòa băn khoăn không biết căn cứ vào tiêu chí nào để xác định chính xác số năm công tác của GV mầm non. Do đặc thù từng nơi, có GV mầm non làm hợp đồng theo quyết định của chủ nhiệm hợp tác xã, có người được chủ tịch xã quyết định, lại có nơi phòng GD-ĐT ký quyết định…
Việc cộng thêm 6 điểm cho mỗi năm công tác vào tổng điểm xét tuyển cho GV mầm non cũng chưa nhận được sự đồng tình của các đơn vị. Thống kê sơ bộ, trong số hơn 23.000 GV mầm non hiện nay, chỉ có khoảng 6.000 người đã vào biên chế - là những người đã có thâm niên trong nghề, số còn lại đều làm hợp đồng. Tham gia tuyển dụng lần này là cơ hội để những cô giáo trẻ chứng tỏ năng lực sư phạm, khả năng tiếp cận với những phương pháp dạy học mới… Đây là những yêu cầu cần thiết đối với những cô giáo dạy Chương trình giáo dục mầm non mới cho trẻ 5 tuổi. Vì vậy, mức điểm cộng như thế nào để vừa giải quyết được chế độ chính sách, đồng thời tạo môi trường cho GV lớn tuổi "trổ" kinh nghiệm, vừa mở ra cơ hội cho đội ngũ trẻ cống hiến là điều đang được cân nhắc. Với các cấp quản lý ngành, làm được điều này cũng chính là tạo nền tảng lâu dài, vững chắc cho chất lượng đội ngũ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.