Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xoay sở đủ cách vẫn thiếu!

Hồng Hạnh| 03/07/2010 04:34

(HNM) - Thiếu trường, thiếu lớp, sĩ số HS/lớp quá tải - đó là tình trạng chung của hệ thống giáo dục mầm non (MN) Hà Nội trong bối cảnh dân số tăng và nhu cầu gửi con của phụ huynh ngày càng cao.

Nhiều trường mầm non còn thiếu chỗ học cho trẻ. Ảnh: Bá Hoạt


Thiếu chỗ học, vì sao?
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến tháng 5-2010, trên địa bàn thành phố có 827 trường MN, 10.868 nhóm lớp, thu hút gần 334.000 trẻ trong độ tuổi từ nhà trẻ tới mẫu giáo ra lớp (tăng hơn 17.560 trẻ). So với cùng kỳ năm học trước, quy mô của giáo dục MN đã tăng hơn 37 trường và 329 nhóm, lớp. Dù vậy, số lượng trường, lớp hiện có mới chỉ đáp ứng chỗ học cho 26% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, tỷ lệ này ở trẻ mẫu giáo là 86,3%, ở trẻ 5 tuổi là 99%.

Theo quy định, mỗi phường/xã đều có hệ thống trường công lập từ MN, tiểu học tới THCS để phục vụ HS trên địa bàn, nhưng cho tới nay, Hà Nội còn 6 phường chưa có trường MN công lập (quận Đống Đa có 3 phường, quận Hai Bà Trưng có 2 phường). Các quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Gia Lâm… là những nơi thiếu chỗ học trầm trọng cho trẻ MN, mà một trong những lý do cơ bản là dân số tăng nhanh. Ví dụ như ở Hoàng Mai, dân số ngày mới thành lập quận là 17 vạn người, nay tăng lên 30 vạn, nhưng số trường MN vẫn không thay đổi.

Trong khi đó, yêu cầu để thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi theo chủ trương của Bộ GD-ĐT là trẻ phải được học đủ 1 năm học, được học 2 buổi/ngày và học theo chương trình giáo dục MN mới. Bên cạnh đó, giáo viên dạy trẻ 5 tuổi phải có trình độ đào tạo đạt chuẩn và phải được bồi dưỡng về dạy học chương trình giáo dục MN mới. Mạng lưới các trường ngoài công lập chưa thể đáp ứng được yêu cầu này, nên theo định hướng của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2010-2011, nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các trường MN công lập là huy động tối đa số trẻ 5 tuổi ra lớp. Chỗ học cho trẻ MN từ 4 tuổi trở xuống chắc chắn sẽ bị "co" lại, trong khi mạng lưới các trường ngoài công lập, dù đã được củng cố song chưa thể đáp ứng được mọi nhu cầu của phụ huynh bởi mức thu giữa các trường công lập và ngoài công lập còn có sự chênh lệch lớn.

Lời giải chưa thể có trong ngày một, ngày hai
Khi số trường, lớp còn hạn chế, tình trạng mỗi lớp có từ 50-60 trẻ trở lên phổ biến không chỉ ở các trường khu vực nội thành, mà cả ở ngoại thành và ở những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Việc chọn ai, bỏ ai trong mùa tuyển sinh trở thành bài toán chung khó giải với nhiều trường. Vậy mới có chuyện ban giám hiệu trường nọ phải chọn cách bắt thăm để tuyển sinh, bất kể là con cháu ai, quan hệ thế nào… Thiếu phòng học, nhiều trường (chủ yếu ở khu vực Hà Tây cũ) phải tổ chức lớp ghép. Những nơi có điều kiện hơn như trường MN ở các xã Tam Hiệp, Liên Ninh, Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì), Yên Thường (Gia Lâm) đã tách đôi, thậm chí tách làm ba trường nhằm tăng thêm chỗ học cho trẻ.

Để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 86/KH-UBND với mục tiêu hết năm 2010 xóa 5.523 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó số phòng học cần xóa ở cấp học MN chiếm tới gần 50% với 2.479 phòng. Mới đây, HĐND thành phố cũng đã thông qua đề án về phát triển giáo dục MN nhằm củng cố, phát triển vững chắc hệ thống giáo dục MN với việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng ở mỗi xã, phường có ít nhất từ 1-2 trường MN công lập, thay thế hoàn toàn các phòng học cấp 4, gom điểm lẻ, khu trung tâm không đủ điều kiện và phấn đấu có 50% trường MN công lập đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Riêng trong năm học 2009-2010, Hà Nội đã dành gần 800 tỷ đồng để xây mới 839 phòng học, hơn 90 tỷ đồng để xây dựng thêm 24 trường đạt chuẩn quốc gia...

Dù vậy, với nhiệm vụ trước mắt là duy trì và thu hút thêm số trẻ MN ra lớp, thực hiện phổ cập cho trẻ 5 tuổi và hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong năm học 2010-2011, các trường MN sẽ phải tiếp tục gồng mình. Mâu thuẫn giữa việc thiếu trường, thiếu lớp MN với việc phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ đang là bài toán không dễ tìm lời giải đối với các cấp quản lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xoay sở đủ cách vẫn thiếu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.