Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa nghèo bền vững - không ít gian nan

Nguyên Hoa| 06/07/2013 07:02

(HNM) - Sau 10 năm (2002-2012) nỗ lực xóa đói, giảm nghèo (XĐGN), Việt Nam được Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công nhận đạt thành tích nổi bật.

Việt Nam nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015. Mục tiêu của Việt Nam giai đoạn tới là hướng đến xóa nghèo bền vững, tuy nhiên lộ trình đến đích còn nhiều gian nan.

Dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp xóa đói, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Bá Hoạt


Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và XĐGN tại Việt Nam 10 năm qua đã đạt được kết quả rất nổi bật. Đã có 500 nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người được hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện. Thông qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/người/năm… Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012).

Để đạt được kết quả trên, những năm qua Đảng, Nhà nước đã bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về XĐGN. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác XĐGN đã được ban hành, huy động được sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 khẳng định: Điểm nổi bật trong chính sách giảm nghèo là không chỉ chú ý các hộ nghèo mà còn hướng tới hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, bảo đảm giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng cận nghèo. Chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ mới thoát nghèo thực hiện theo hướng cho hộ mới thoát nghèo tiếp tục hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi trong thời hạn nhất định, cho vay ưu đãi có lãi suất cho hộ nghèo để nâng cao ý thức và trách nhiệm sử dụng vốn.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn hạn chế: Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi, có vùng còn trên 50% hộ nghèo, cá biệt có vùng còn 60-70% hộ nghèo. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là nhiều cơ chế, chính sách còn chồng chéo dẫn đến việc phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao. Trong khi đó, nhiều địa phương còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách hiện còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng việc sửa đổi, bổ sung còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên.

Mục tiêu Việt Nam đặt ra đến cuối năm 2013 là tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm 2%/năm (từ 9,6% xuống còn 7,6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2013). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo còn dưới 30%... Để đạt mục tiêu trên, tiến tới xóa nghèo bền vững, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất, Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách cụ thể cho các hộ mới thoát nghèo được hưởng các chính sách như đối với hộ nghèo 2-3 năm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ mức đóng 100% bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 5% chi phí đồng chi trả cho người thuộc hộ nghèo khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế...

Điều quan trọng hơn, ngoài những cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả của Nhà nước, các cấp, ngành, xã hội và cộng đồng cần nhận thức đúng trách nhiệm, cùng chung tay hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện việc xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, bảo đảm thống nhất; dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp - nông thôn; phân loại nhóm đối tượng để có các chính sách cụ thể theo lộ trình. Giải pháp nữa tạo tiền đề cho XĐGN bền vững là xây dựng các hình thức liên kết các ngành khoa học, công nghệ với sản xuất, xây dựng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa nghèo bền vững - không ít gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.