(HNM) - Hôm nay, đúng dịp kỷ niệm 104 năm Ngày quốc tế Phụ nữ, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức lễ tôn vinh, trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2013 cho hai nhà khoa học nữ.
Trước hết, phải khẳng định Giải thưởng Kovalevskaia không chỉ là phần thưởng của một tổ chức đoàn thể cụ thể, mà còn là đánh giá trân trọng của toàn xã hội đối với những tập thể, cá nhân nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại những lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sự tôn vinh này cũng đồng thời cho thấy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự phát triển đi lên của đất nước nói riêng và vấn đề bình đẳng giới nói chung.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ Việt Nam bị trói buộc bởi truyền thống "trọng nam, khinh nữ", "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu"… Thế nhưng, ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta (Hiến pháp năm 1946) đã khẳng định: "Nam nữ bình quyền". Kể từ đó đến nay, vấn đề giải phóng phụ nữ, bình đẳng giới luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, thông qua nhiều chính sách và việc làm cụ thể nhằm nâng cao giá trị, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, qua đó phát huy những phẩm chất cao quý "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, ngày càng xuất hiện nhiều gương phụ nữ tài năng, "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Đáng chú ý, ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ trung ương đến địa phương. Với 27,31% đại biểu nữ trong Quốc hội, Việt Nam dẫn đầu Châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2004-2011 đạt 23,9%, cấp huyện là 23,01% và cấp xã là 19,5%. Đội ngũ cán bộ, công chức nữ tăng cả về số lượng và chất lượng. Số doanh nghiệp có nữ làm giám đốc chiếm 25%, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này lên đến 31%... Với những thành tựu trên, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ khắc phục cách biệt giới nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng "bức tranh" bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều mảng tối. Mặc dù chiếm tỷ lệ 51% dân số, 49,5% lực lượng lao động, song phụ nữ Việt Nam vẫn chịu nhiều thiệt thòi. Trình độ học vấn, chuyên môn của phụ nữ còn thấp; cơ hội làm việc, thu nhập còn hạn chế. Đời sống một bộ phận phụ nữ còn nhiều khó khăn, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ phụ nữ nghèo, phụ nữ mù chữ còn cao. Tình trạng phụ nữ nông thôn di cư tự phát ra thành phố ngày càng tăng. Đáng nói là tình trạng nạo phá thai cũng như lây nhiễm HIV trong nữ thanh niên, nữ vị thành niên đang gia tăng. Nạn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em, lấy chồng người nước ngoài diễn biến phức tạp…
Trong mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà gần 200 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ký kết tháng 9-2000, bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ được thể hiện trong Mục tiêu thứ 3, đồng thời cũng lồng ghép trong tất cả các mục tiêu khác. Để đạt được điều đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhằm xóa đi những hạn chế về bình đẳng giới, qua đó nâng cao vai trò, phát huy mạnh mẽ phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, để chị em được đóng góp, cống hiến nhiều hơn nữa vào những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.