Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa ''mầm dịch'' sốt xuất huyết

Nhóm phóng viên| 18/06/2020 06:23

(HNM) - Hà Nội là một trong những địa bàn trọng điểm về sốt xuất huyết ở miền Bắc. Trung bình mỗi năm, thành phố ghi nhận 3.000-5.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Dù năm nào chính quyền cơ sở cũng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đặc biệt vào mùa mưa, song tại các khu dân cư vẫn tồn tại hàng trăm "mầm dịch" cần sớm xóa bỏ do công tác thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường không được thực hiện thường xuyên, liên tục...

Phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: Nhật Nam

Những “điểm đen" phát sinh dịch

Được hoàn thiện từ cuối năm 2017, nhưng dự án tái định cư tại D17 phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đến nay vẫn “đắp chiếu”, chưa có người đến ở. Theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, toàn bộ diện tích xung quanh dự án cỏ dại mọc um tùm, cao lút đầu người. Chưa kể rác thải, phế thải xây dựng chất thành đống đã biến nơi đây trở thành “điểm đen” ô nhiễm môi trường, nguy cơ phát sinh dịch bệnh, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục khảo sát tại khu tập thể Mai Động (quận Hoàng Mai) vào sáng 17-6-2020, phóng viên nhận thấy các tòa nhà chung cư A5, A6, A9... xuống cấp nghiêm trọng nhưng đã được một số gia đình tận dụng cơi nới, biến thành phòng trọ cho công nhân, người buôn bán từ nhiều nơi đến thuê để kinh doanh, sinh sống. Do mật độ dân số tập trung cao, người dân tùy tiện họp chợ và thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung khiến môi trường sống tại đây luôn trong tình trạng ô nhiễm. Đáng nói, tại nhà A4, A7, A8, tình trạng người dân tràn ra vỉa hè phố Tam Trinh để kinh doanh, mở hàng quán, thường xuyên tụ tập ăn uống vào ban đêm rồi xả rác, nước thải... lâu ngày trở thành nơi trú ngụ của ruồi, muỗi... gây ô nhiễm môi trường.

Tương tự, tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, phế thải... cũng diễn ra tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng). Đây là nơi tập trung tới 14 tòa chung cư cũ với hàng chục nghìn cư dân sinh sống, buôn bán, họp chợ… Mật độ dân cư đông đúc trong điều kiện cơ sở hạ tầng ngày càng xuống cấp, công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường sống… không được thực hiện thường xuyên khiến nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch sốt xuất huyết.

Theo Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mai Động Nguyễn Thị Hằng, nguồn nhân lực phục vụ cho chiến dịch làm sạch môi trường quá ít, kinh phí dành cho chiến dịch còn hạn chế… nên công tác vệ sinh môi trường, duy tu, sửa chữa hệ thống thoát nước, phát quang cây xanh chưa được triển khai đồng bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn chưa có ý thức giữ gìn môi trường sống, thói quen tích trữ nước trong bể chứa, xả rác trực tiếp ra môi trường... nên có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết tại các khu dân cư, nhất là các ổ dịch cũ.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên toàn thành phố ghi nhận 247 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong, số mắc giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, có nhiều yếu tố nguy cơ để sốt xuất huyết phát sinh, phát triển thành dịch, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường với nhiều phế thải, phế liệu tồn đọng là nơi muỗi đẻ trứng; nhiều khu nhà trọ, công trường xây dựng với điều kiện ăn ở tạm bợ... Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển và có khả năng bùng phát thành dịch trên diện rộng nếu không có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Trước thực trạng trên, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ những biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; tập trung tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, nhất là tại khu vực nguy cơ cao như: Nơi có ổ dịch cũ, nơi vệ sinh môi trường kém, nơi thiếu nước sạch, có nhiều nhà thuê trọ…

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tham gia của người dân trong công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các tổ giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy. Cùng với đó là thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn; những nơi phát sinh dịch bệnh cần tiến hành giám sát chặt chẽ, khoanh vùng xử lý kịp thời.

Ngày 17-6, Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Tính đến 17h ngày 16-6, trên địa bàn huyện Phúc Thọ ghi nhận 8/21 xã, thị trấn có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, với tổng số ca mắc là 89 trường hợp, trong đó, xã Tam Hiệp có số bệnh nhân tăng nhanh. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội sẽ hỗ trợ địa phương tổ chức 2 chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; 2 chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xóa ''mầm dịch'' sốt xuất huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.