Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa kỳ thị để giảm lây lan

Lâm Vũ| 30/11/2013 07:56

(HNM) - Trong những năm qua, nhờ những hoạt động can thiệp của dự án Phòng chống HIV/AIDS nên tỷ lệ người nhiễm HIV của Việt Nam đã giảm từ 25% (2006) xuống còn 12% (2012). Tuy nhiên, vẫn cần có những biện pháp để giảm sự kỳ thị của cộng đồng đối với người có HIV

Công tác tuyên truyền góp phần quan trọng nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS . Ảnh: Bảo Lâm



Kỳ thị và tự kỳ thị

Nghiên cứu của Mạng lưới những người sống với HIV tại Việt Nam trên 1.200 người có HIV (NCH) ở Cần Thơ, Điện Biên, Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh cho thấy, bạn bè và hàng xóm của NCH thường là những người kỳ thị nhất, đặc biệt là với những đồng tính nam (MSM) ở TP Hồ Chí Minh (57,7%), mại dâm nữ (FSW) ở Hà Nội (54%). Không FSW nào ở Hà Nội và chỉ có 1,9% MSM ở TP Hồ Chí Minh cho biết bạn bè và hàng xóm có thông cảm và hỗ trợ họ. Chồng, vợ, bạn tình và thành viên gia đình cũng tỏ thái độ kỳ thị. Một nam giới sống với HIV ở Cần Thơ chia sẻ: "Hai em trai tôi nghiện ma túy và đã chết vì AIDS năm 2004 và 2008. Đó là lý do tại sao bố tôi thường mắng và quát tôi bất cứ khi nào ông có khó khăn trong kinh doanh - Tôi luôn bị ám ảnh bởi những lời cha nói.

Nhiều phụ nữ nhiễm HIV được phỏng vấn cho biết các kiểu kỳ thị và phân biệt đối xử của gia đình chồng rất đa dạng, từ buộc họ phải rời khỏi nhà, không cho phép tham gia các hoạt động của gia đình đến mắng chửi, báo công an sai lệch, đe dọa tiết lộ tình trạng có HIV. Một phụ nữ sống với HIV ở Hải Phòng đã kể rằng, khi gia đình phát hiện vợ chồng chị nhiễm HIV đã buộc họ phải sống riêng. Bất cứ khi nào họ chạm vào thứ gì trong gia đình, bố mẹ chồng họ đều sợ họ có thể làm lây truyền HIV sang người khác và nhìn họ một cách ngờ vực. Chị cũng bị gia đình cô lập, hắt hủi, không để làm việc nhà. Khi chị mời bố mẹ ăn, uống một thứ gì đó họ không ăn bởi vì họ sợ bị nhiễm HIV từ chị. Nhiều người tham gia nhóm nghiên cứu cho biết, họ bị xì xào bàn tán, nhục mạ, quấy nhiễu, hành hung và không được tham gia các hoạt động xã hội.

Hầu hết NCH tự đổ lỗi cho bản thân, cảm thấy có lỗi và xấu hổ. Tự kỳ thị và sợ bị kỳ thị đồng nghĩa với việc NCH không dám đến các cơ sở y tế khám bệnh, nghe tư vấn hoặc nếu có thì họ phải đến cơ sở y tế thật xa nơi mình cư trú để tránh bị kỳ thị. Không ít người do thiếu kiến thức về HIV đã dẫn tới tự cô lập bản thân khỏi hoạt động gia đình. Quyết định phổ biến nhất của NCH là không lập gia đình. Bị loại khỏi các hoạt động cộng đồng, xã hội là một hệ quả khác của quyết định liên quan đến tình trạng nhiễm HIV. Trong nghiên cứu trên, 28% số người tiêm chích ma túy (TCMT) ở Điện Biên và 22,5% ở TP Hồ Chí Minh quyết định không tham dự các hoạt động xã hội. Họ cũng tự xa lánh gia đình và bạn bè, đồng thời đưa ra những quyết định ảnh hưởng tới sinh kế như không tham gia các chương trình giáo dục và đào tạo, bỏ việc, không xin việc hoặc không tìm kiếm các cơ hội thăng tiến.

Đa số bị vi phạm quyền

Luật Phòng chống HIV/AIDS, luật pháp và chính sách liên quan khác bảo vệ quyền cụ thể của người có HIV, bao gồm xét nghiệm tự nguyện, quyền bí mật riêng tư, quyền giáo dục, việc làm, chăm sóc y tế và không bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, tất cả các nhóm tham gia nghiên cứu đều cho biết quyền của họ bị lạm dụng, tỷ lệ cao nhất là ở nhóm FSW ở Hà Nội (42%) và TCMT ở Điện Biên (35%). Trong các quyền, quyền không bị phân biệt đối xử bị vi phạm nhiều nhất. 80,4% số người TCMT ở Điện Biên cho biết quyền không phân biệt đối xử của họ bị xâm phạm, tỷ lệ này ở nhóm MSM ở TP Hồ Chí Minh là 70,4% và FSW ở Hà Nội là 67,7%. Khi bị vi phạm quyền, đa số nạn nhân không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý. Lý do phổ biến là không tin việc khiếu kiện sẽ thành công, không đủ nguồn lực tài chính và cho rằng quá trình giải quyết khiếu kiện rất phức tạp. Một phụ nữ có HIV ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Khi quyền của tôi bị vi phạm, tôi đã nhờ công an và láng giềng giúp tôi, nhưng khi họ đến, chồng tôi và gia đình chồng đã nói với họ rằng, đó chỉ là xích mích gia đình. Tôi đã đến gặp hội phụ nữ và cán bộ UBND để xin giúp đỡ, nhưng không có kết quả. Tôi đã mất hết niềm tin rằng ai đó có thể giúp được mình".

Việc làm là thách thức lớn đối với người có HIV. Họ thường bị chủ sử dụng lao động phân biệt đối xử, buộc thôi việc do sức khỏe kém. Một phụ nữ sống với HIV ở Hà Nội là trường hợp điển hình. Chị bị phản ứng phụ khi điều trị bằng ARV và cần phải vào viện điều trị. Không may, việc này bị tiết lộ với người quản lý của chị. Biết chuyện, anh tỏ vẻ thông cảm nhưng vẫn yêu cầu chị nghỉ việc, cho dù chị là người hoàn toàn có năng lực và trách nhiệm với công việc. Những vấn đề liên quan đến việc làm không chỉ xảy ra ở những công việc có mối quan hệ lao động chủ thợ mà còn tác động cả đến những NCH đang tham gia công việc tự tạo. Một nam giới có HIV ở Cần Thơ cho biết: "Khi chúng tôi tổ chức đám tang cho em trai, làng xóm truyền tai nhau và xì xào về việc trong gia đình tôi có người chết vì AIDS. Họ nghi ngờ về tình trạng nhiễm HIV của cả gia đình. Và cũng từ đó, ngày càng ít người đến quán nhà tôi uống nước".

Kỳ thị và phân biệt đối xử đang là một rào cản chính đối với các vấn đề liên quan đến dự phòng và chăm sóc NCH. Tổ chức Mạng lưới những người sống với HIV cho rằng việc tuyên truyền đúng nhận thức về HIV và hành vi nguy cơ là rất cần thiết để giảm bớt lo lắng, sợ hãi của cộng đồng vốn đang là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị với NCH và làm lây lan HIV.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa kỳ thị để giảm lây lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.