Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa khoảng cách giữa các tuyến y tế

Thu Trang| 16/01/2016 06:46

(HNM) - Dù đã đạt kết quả bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu giảm quá tải bệnh viện (BV) nhưng chất lượng y tế giữa các vùng, miền; giữa các tuyến vẫn còn khoảng cách khá lớn.



Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, dù đã đạt kết quả bước đầu trong việc thực hiện mục tiêu giảm quá tải bệnh viện (BV) nhưng chất lượng y tế giữa các vùng, miền; giữa các tuyến vẫn còn khoảng cách khá lớn.

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những cơ sở y tế chất lượng cao. Ảnh: Bá Hoạt


Chỉ còn nằm ghép đôi

Năm 2015, ngành Y tế tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp nhằm giảm quá tải BV, cải tiến quy trình khám bệnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nếu như năm 2011, số giường bệnh/1 vạn dân là 21,5 thì đến năm 2015 đã tăng lên 24 giường bệnh/1vạn dân. Các BV đã sắp xếp lại các khoa, phòng, kê thêm giường để phục vụ nhân dân, trong đó, riêng các BV tuyến trung ương đã có thêm 4.800 giường. Các BV còn cải tạo khu vực khám bệnh, lắp đặt hệ thống phát số tự động, trang bị thêm ghế chờ, bàn khám, máy móc, thiết bị, tăng cường nhân lực, kéo dài thời gian làm việc, cải tiến quy trình thu viện phí và thanh toán BHYT, giảm quy trình khám bệnh từ 12-14 bước xuống còn 4-7 bước. So với năm 2012, thời gian khám bệnh ở nhiều bệnh viện đã giảm trung bình 48,5 phút/lượt. Nếu chỉ khám thông thường, không phải làm các chiếu chụp, xét nghiệm thì chỉ mất 20-30 phút. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm mạnh. PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nếu như cách đây vài năm, tại các BV, khoa ung bướu, tim mạch, sản, nhi thường xảy ra tình trạng nằm ghép 3-4 bệnh nhân/giường bệnh thì nay đã cơ bản được khắc phục. Theo báo cáo của 1.300 BV trên cả nước, hiện chỉ có 15-20 BV trung ương còn cảnh bệnh nhân nằm ghép, nhưng chỉ là ghép đôi.

Dù vậy, ngành Y tế thừa nhận những tồn tại trong thời gian qua. Cụ thể là mức đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, chưa có nguồn vốn đầu tư cho trạm y tế xã và y tế dự phòng tuyến huyện. Tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe còn ở mức cao (khoảng 45%), tỷ lệ chưa tham gia BHYT còn lớn (25% dân số) khiến khả năng cân đối quỹ BHYT gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, việc liên doanh, liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế công lập tuy kết quả có nhiều mặt tích cực nhưng cũng còn có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp, làm tăng chi phí khám, chữa bệnh.

Việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt, còn xảy ra tiêu cực, gây phiền hà đối với người bệnh. Ngoài ra, công tác đào tạo nhân lực y tế hiện còn nặng về truyền đạt lý thuyết; việc phân bổ nguồn nhân lực y tế chưa hợp lý, thiếu về số lượng, không đồng đều về chất lượng giữa các vùng, các tuyến. Thêm vào đó, chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, mức lương khởi điểm chưa tương xứng với thời gian đào tạo. Thầy thuốc chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Do đó, vẫn còn có sự chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế giữa các vùng miền.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu

Theo Bộ Y tế, trong năm 2016, ngành Y tế đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục giảm quá tải BV, tăng số giường bệnh. Bên cạnh đó là đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "vừa hồng, vừa chuyên", có năng lực, tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi, y đức tốt, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Thủ tướng khẳng định, ngành Y tế đã có bước tiến dài trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và những kết quả đạt được đã đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển chung của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, ngành phải ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ với mục tiêu cuối cùng là chăm sóc và bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lớn bùng phát. Muốn vậy, từ Bộ cho đến sở y tế các địa phương phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai quyết liệt công tác này, không chủ quan, lơ là… Ngành cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa dịch bệnh từ các nguồn thực phẩm không bảo đảm. Thủ tướng cũng đề nghị nâng cao hơn nữa năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh cho nhân dân từ tuyến cơ sở ở cấp xã, phường cho tới tuyến trung ương, tuyến cuối, gắn liền với đó là thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải BV. Bên cạnh đó, cần quan tâm thúc đẩy xây dựng các BV vệ tinh; nâng cấp, đầu tư trang thiết bị y tế; thường xuyên cập nhật, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào khám chữa bệnh, chăm sóc y tế cho nhân dân; gắn kết chặt chẽ các BV tuyến tỉnh, huyện với các BV tuyến trung ương, tuyến cuối.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, năm 2015, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát nhưng riêng dịch sốt xuất huyết có số ca mắc tăng mạnh với 15.405 trường hợp được ghi nhận (không có tử vong). Ngoài ra, trong năm 2015, Hà Nội đã tiêm gần 500.000 mũi vắc xin Quinvaxem cho trẻ, không có tai biến tử vong sau tiêm. Tuy nhiên, do việc khan hiếm vắc xin dịch vụ, nhiều bậc phụ huynh chờ đợi vắc xin dịch vụ, không đưa con đi tiêm vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng nên đã tạo "khoảng trắng" tiêm chủng, dẫn đến nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa khoảng cách giữa các tuyến y tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.