(HNM) - Trong hệ thống chính trị của nước ta hiện nay, Hội Cựu chiến binh (CCB) khẳng định vị trí là một tổ chức đặc biệt quan trọng, mạnh cả về chất và lượng, thể hiện vai trò đi đầu trên nhiều lĩnh vực.
Rời tay súng, những CCB của TP Hà Nội lại tiếp tục tham gia vào "cuộc chiến" xóa đói, giảm nghèo (XĐGN); nêu gương sáng cho các thế hệ sau; tích cực phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, tham gia giữ gìn ANTT… Bằng việc làm thiết thực, những người lính Cụ Hồ năm xưa đã góp phần đưa hoạt động của Hội CCB thành phố có bước phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Về những vấn đề nêu trên, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Lê Minh Cược, Chủ tịch Hội CCB thành phố Hà Nội.
Bước vào cuộc chiến đấu mới
- Ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm đã được Đại hội lần thứ V Hội CCB thành phố Hà Nội (nhiệm kỳ 2012-2017) thông qua?
- Đại hội lần thứ V của Hội CCB thành phố Hà Nội diễn ra trong tháng 6-2012 đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng với tình hình thực tế trong giai đoạn mới. Trong đó, nhiệm vụ ưu tiên số một trong nhiệm kỳ này là động viên hội viên Hội CCB các cấp tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Còn nhiệm vụ then chốt là xây dựng tổ chức Hội CCB trong sạch, vững mạnh để thực hiện thắng lợi nghị quyết của các cấp. Cùng với đó, việc động viên, đoàn kết, tập hợp hội viên CCB hưởng ứng phong trào giúp nhau xóa nghèo, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp được coi là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên.
Ông Lê Minh Cược. Ảnh: Duy Quang |
- Ông vừa nhắc đến nhiệm vụ XĐGN và làm giàu hợp pháp trong CCB. Vậy thực trạng này trên địa bàn thành phố ra sao, thưa ông?
- Sau khi hợp nhất giữa Hà Nội và Hà Tây, tỷ lệ hộ nghèo của CCB trong toàn thành phố là 1,9% (tương ứng 4.500 hộ) và gần 200 hộ CCB đang phải sống trong những căn hộ dột nát. Các hộ nghèo chủ yếu tập trung ở khu vực ngoại thành, bởi theo số liệu thống kê, 10 quận nội thành chỉ có 41 hộ hội viên CCB nghèo.
- Và những kết quả cụ thể chúng ta đã đạt được trong thời gian qua trên “mặt trận” XĐGN?
- Là những người từng trải qua chiến tranh, mang trong lòng nhiệt huyết cách mạng, ý chí của người lính, các CCB Hà Nội trở về với cuộc sống đời thường đã và đang lập nên những chiến công mới trên mặt trận chống đói nghèo. Nỗ lực để giảm số hội viên nghèo từ 1,9% (năm 2008) xuống còn 1,1% (năm 2012); sửa chữa, xây mới 171 ngôi nhà cho hội viên nghèo với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; đó là những kết quả đáng khích lệ mà các CCB Hà Nội đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
- Đây có thể coi là “chiến công” của các CCB trong thời kỳ mới. Vậy đâu là mấu chốt của thành công?
- Có được kết quả nêu trên là do các CCB đã biết dựa vào nhau, đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, phương thức làm ăn… cùng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu mạnh. Điều đó cũng cho thấy, Hội CCB Hà Nội xây dựng phong trào “CCB phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu hợp pháp” là sát với thực tế, thu hút sự quan tâm của hội viên.
- Thưa ông, thực hiện mục tiêu XĐGN, một trong những khó khăn phải đối mặt là việc lo nguồn vốn cho vay. Với Hội CCB thành phố vấn đề này được giải quyết ra sao?
- Từ năm 2008 đến 2012, các cấp Hội đã đứng ra vay Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ người nghèo được gần 1.130 tỷ đồng, vay từ các quỹ tín dụng 80 tỷ đồng, vay từ quỹ Hội là 95 tỷ đồng để mỗi năm cho 25.000 hội viên vay vốn và hỗ trợ trên 27.000 lao động có thêm việc làm. Cùng với việc tạo nguồn vốn cho hội viên nghèo, các cấp Hội còn hỗ trợ cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hội viên còn khó khăn. Từ nguồn vốn vay, hơn 2.000 hội viên đã xóa nghèo; số hội viên khá và giàu tăng lên. Nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ đã ra đời đem lại hiệu quả kinh tế cao.
- Thời gian qua có khá nhiều CCB là những doanh nhân thành đạt. Hội CCB thành phố đã tận dụng nguồn lực này như thế nào?
- Hội Doanh nhân CCB Thủ đô với 68 công ty cổ phần, 167 công ty TNHH, 45 HTX, trên 200 tổ sản xuất, 990 nông trại và trang trại đang cùng với Trung tâm Giới thiệu và tạo việc làm của CCB TP giới thiệu, tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động là con em đối tượng chính sách và CCB…
- Hiện nay, Hà Nội còn 1,1% số hội viên CCB nghèo, tương đương với 2.400 hộ. Ông có thể cho biết Hội sẽ có những giải pháp nào để giúp hội viên xóa nghèo?
- Trong nhiệm kỳ 2012-2017, chúng tôi phấn đấu giảm tiếp khoảng 1.000 hộ nghèo và xóa 200 nhà ở dột nát cho hội viên. Để đạt được con số trên, lãnh đạo Hội CCB thành phố đã đề ra ba giải pháp giúp hội viên thoát nghèo, đó là: huy động nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng, đồng thời tận dụng nguồn lực từ các doanh nhân CCB Thủ đô và các gia đình CCB làm kinh tế khá, giỏi; tranh thủ kinh nghiệm của hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, làm ăn có hiệu quả để nhân rộng mô hình cho các địa phương. Mặt khác, Hội CCB các cấp sẽ tập trung kiện toàn, nâng cao vai trò của tổ vay vốn để lực lượng này làm tốt hơn nữa nhiệm vụ là cầu nối trong việc khai thác nguồn vốn và đưa vốn vay đến tay hội viên nhằm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
- Có ý kiến cho rằng, những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước rất gian nan nhưng lại chưa nghiệt ngã bằng cuộc chiến chống đói nghèo dù rằng trên mặt trận đó không có tiếng súng. Ông suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
- Trong chiến tranh, nhiệm vụ duy nhất của người lính là cầm súng đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc. Nay trở về với cuộc sống đời thường khi tuổi đã cao, các thế hệ CCB chúng tôi lại phải đối mặt với những vấn đề phức tạp của cuộc sống từ nhiều phía. Tuy nhiên, với bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Hà Nội nói riêng cũng như CCB cả nước nói chung đã và đang cống hiến hết mình, không nề hà bất cứ công việc gì để tìm cách thoát nghèo bởi chúng tôi xác định đây là “cuộc chiến” dai dẳng, gian nan, có khi kéo dài đến hết cuộc đời.
- Tuy áp lực XĐGN trên địa bàn Hà Nội không “căng” như nhiều địa phương khác nhưng chắc chắn vẫn tồn tại những bất cập trong cơ chế chính sách. Để giúp CCB xóa nghèo, làm giàu hợp pháp, theo ông đâu là những vướng mắc cần tháo gỡ?
- Các tổ chức chính trị xã hội nói chung trong đó có Hội CCB hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn về cơ chế, chính sách. Ví dụ như việc nhiều hội viên CCB đang trăn trở tìm cách làm giàu nhưng chính sách về đất đai hiện nay khiến nhiều người chưa thực sự yên tâm để đầu tư, mở rộng quy mô kinh doanh, sản xuất. Bởi vậy, tôi cho rằng Nhà nước và thành phố nên có cơ chế về sử dụng nguồn đất đai ổn định lâu dài để người dân, trong đó có gia đình CCB yên tâm làm ăn. Mặt khác, hộ CCB nghèo chủ yếu tập trung ở ngoại thành vì vậy nguồn vốn để giúp hội viên chúng tôi thoát nghèo là mối quan tâm đặc biệt. Trên thực tế, có nhiều hội viên có mô hình sản xuất đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không nhỏ, tuy nhiên mức vay vốn như hiện nay là chưa đủ để CCB có thêm cơ hội thoát nghèo và làm giàu hợp pháp…
- Có thể nói, vốn là vấn đề xuyên suốt, có yếu tố quyết định trong việc giúp CCB XĐGN. Tuy nhiên, đặc thù của CCB là tuổi cao, sức yếu, vậy dù có nguồn vốn nhưng liệu họ có ngại vay không, thưa ông?
- Bên cạnh rất nhiều CCB trông ngóng từng đồng vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, thì vẫn còn một số ít Hội cơ sở và hội viên chưa thiết tha với việc vay vốn (con số này chủ yếu ở các quận nội thành bởi nơi đây có đến 70% hội viên có lương và các khoản phụ cấp). Đấy là chưa kể một bộ phận cán bộ
Hội ngại trách nhiệm, sợ hội viên không hoàn vốn vay đúng thời gian hoặc thất thoát vốn nên không nhiệt tình tiếp cận nguồn vay. Năm 2012, chúng tôi vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 200 tỷ đồng, trong đó có hơn 300 triệu đồng trả nợ không đúng kỳ hạn. Chúng tôi sẽ khắc phục tình trạng này ngay trong năm nay để tránh tâm lý né tránh, e dè của cán bộ Hội, làm ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất kinh doanh của hội viên.
Mỗi CCB là những tuyên truyền viên tích cực
- Là lớp người từng vào sinh ra tử không quản hy sinh gian khổ, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, giải phóng đất nước; trong thời bình CCB Hà Nội tiếp tục phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở địa phương và phòng chống tham nhũng như thế nào, thưa ông?
- Nhiều năm qua, Hội CCB thành phố - một thành viên tích cực của MTTQ - luôn đoàn kết cùng các tầng lớp nhân dân bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền. Với tổ chức có gần 23 vạn hội viên, trong đó có 8,3 vạn hội viên là đảng viên, nhiều hội viên là cấp ủy viên, bí thư chi bộ ở hầu khắp các cơ sở Đảng, Hội CCB các cấp đã xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, động viên nhân dân cảnh giác, đấu tranh với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tham gia giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội. Đặc biệt, Hội CCB đã cùng chính quyền đồng cấp giải quyết nhiều vấn đề xã hội, dân sinh bức xúc, tháo gỡ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân… góp phần ổn định địa bàn.
- Truyền thống đi đầu của những người lính Cụ Hồ đã được phát huy như thế nào trong thời bình, thưa ông?
- Không chỉ hăng hái trên lĩnh vực XĐGN, CCB thành phố còn tích cực tham gia dồn điền đổi thửa, hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật; gương mẫu trong các phong trào thi đua yêu nước; góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở…
- Ông có thể cung cấp những dẫn chứng cụ thể?
- Vâng! Ví dụ điển hình là việc 4 CCB trên địa bàn quận Cầu Giấy đã thành công trong công tác chống tham nhũng tại cơ sở (cán bộ địa phương có những sai phạm trong quản lý đất đai), được TƯ Hội CCB khen thưởng. Hay như việc các CCB phối hợp chặt chẽ cùng công an và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động giáo dân không đặt cây thánh giá trên núi Chẽ (huyện Mỹ Đức), giải quyết ổn thỏa các vụ việc tại 42 Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm) và 178 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Trong đợt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, CCB các cấp của thành phố đã tổ chức cho 15.000 lượt hội viên tham gia ý kiến. Thực hiện Chỉ thị 03 về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong hai năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB điển hình học tập theo Bác Hồ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Đó còn là gần 600 hộ gia đình CCB ở xã Ba Trại (Ba Vì) tình nguyện hiến vài nghìn mét vuông đất có sổ đỏ để làm đường xây dựng nông thôn mới, 175 hộ hội viên ở quận Long Biên gương mẫu chấp hành đền bù giải phóng mặt bằng để các hộ khác noi theo… Hằng năm, toàn thành phố có 96,7% gia đình CCB đạt gương mẫu, 95,5% gia đình CCB đạt danh hiệu văn hóa…
- Giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ mà chính quyền địa phương thường tin tưởng, giao trách nhiệm cho đội ngũ CCB. Chúng ta đã triển khai công việc này như thế nào để có thể thu được hiệu quả cao, thưa ông?
- Có 3 “kênh” mà Hội CCB Thủ đô đã đề ra trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ và nhân dân, đó là thông qua các nhân chứng của lịch sử; thông qua ban liên lạc các nhà tù, các đơn vị chiến đấu và thông qua bảo tàng truyền thống. Các CCB Thủ đô đã có những cách làm sáng tạo mà điển hình là Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của CCB Lâm Văn Bảng ở huyện Phú Xuyên. Nơi đây đang trưng bày hàng nghìn hiện vật của cựu tù Phú Quốc, đã và đang thu hút học sinh của các trường học trên địa bàn thành phố cùng đông đảo du khách đến tham quan. Hơn nữa, chúng tôi có 1.400 CCB đang công tác tại các trường đại học, cao đẳng và sinh sống khắp địa bàn thành phố, họ là những hạt nhân tích cực trong việc nói chuyện truyền thống và giao lưu với các bạn trẻ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước. Ngoài ra, hệ thống bảo tàng của thành phố và của quân đội trên địa bàn Hà Nội cũng là những điểm đến lý tưởng để giáo dục truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.
- Xin cảm ơn ông về những nội dung trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.