(HNM) - Tại kỳ họp thứ mười tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông. Nội dung này sẽ được HĐND thành phố đưa vào nghị quyết, chuyển HĐND khóa sau tái giám sát việc thực hiện sau 1 năm chất vấn. Có thể nói, để tạo chuyển biến trong lĩnh vực này, tiến tới xóa các điểm nóng "cát tặc", đòi hỏi các cấp, ngành chức năng phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.
Còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép
Về vấn nạn khai thác cát trái phép, phóng viên Báo Hànộimới đã đi khảo sát một số khu vực trên đê hữu Hồng trong các ngày 12 và 13-12 và ghi nhận nhiều xe chở cát vẫn ngang nhiên hoạt động. Cụ thể, sáng 12-12, tại địa bàn phường Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), nhiều xe tải bị bụi bẩn che mờ biển kiểm soát, chở đầy cát, đi trên đê hữu Hồng về phía huyện Phúc Thọ. Trong khi đó, ngày 13-12, phóng viên cũng chứng kiến nhiều xe tải cơi nới thành thùng, trọng tải khoảng 40-50 tấn, ngang nhiên đi trên đê Tiên Tân, đê hữu Hồng (huyện Đan Phượng)…
Anh Nguyễn Đăng Chung (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm) cho hay, hằng ngày, từ các bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng, nhiều xe tải trọng hàng chục tấn chở cát đi lại trên đê hữu Hồng qua địa bàn. Còn Chủ tịch UBND xã Xuân Đình (huyện Phúc Thọ) Hồ Quốc Khánh cho hay: “Tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã chủ yếu diễn ra ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong tuần tra, xử lý”.
Tại huyện Ba Vì - điểm nóng khai thác cát trái phép vùng giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn H. (người dân xã Chu Minh, huyện Ba Vì) cho biết: “Hằng ngày luôn có khoảng 5-8 tàu hoạt động trên bãi nổi sông Hồng, thuộc địa phận xã Chu Minh và Minh Châu. Hoạt động hút cát của họ rất tinh vi, máy hút có tiếng nổ nhỏ, rất khó phát hiện… Chúng tôi đã báo tin tới chính quyền địa phương”.
Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội nêu thêm khó khăn là hai tuyến sông Hồng, sông Đà giáp ranh với các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, nên các đối tượng thường lợi dụng để trốn tránh lực lượng chức năng... Thượng tá Trần Quyết Thắng, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết thêm, khi thấy xuồng của lực lượng công an, các đối tượng tắt máy, hoặc lái tàu chạy sang địa bàn tỉnh khác, nên rất khó bắt giữ, xử lý.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện còn 13 điểm phức tạp về khai thác cát trái phép tại các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Gia Lâm, Đông Anh; 123 điểm tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép. Đáng nói, các điểm trung chuyển không phép đã góp phần tiếp tay cho việc tiêu thụ cát khai thác trái phép.
Tăng cường biện pháp ngăn chặn, xử lý
Năm 2020, Công an Hà Nội đã bắt giữ 98 vụ khai thác cát trái phép với 171 đối tượng, khởi tố 8 vụ... Mới đây nhất, sáng 14-12, Công an huyện Đan Phượng phối hợp với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) bắt giữ 11 tàu hút cát, trọng tải trên 100m3 và 32 người liên quan, đang khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn huyện Đan Phượng; thu giữ 220 triệu đồng, 2 két sắt…
Hiện lực lượng chức năng ở các địa phương, nhất là lực lượng công an đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp tuần tra, kiểm soát để xử lý nghiêm tình trạng "cát tặc". Đại úy Bùi Quang Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an huyện Đan Phượng) thông tin: Thời gian tới, Đội sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, đặc biệt là thời gian từ nay đến cuối năm để ngăn chặn từ sớm tình trạng khai thác cát trái phép.
Trong khi đó, Thượng tá Trần Quyết Thắng, Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết sẽ tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp khai thác cát trái phép. Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì khẳng định công tác tuần tra, kiểm soát, tiếp nhận và xử lý ngay tin báo từ người dân về khai thác cát trái phép rất quan trọng và hiệu quả. Vì vậy, Công an huyện sẽ tiếp tục các giải pháp xử lý "cát tặc" theo hướng này trong thời gian tới.
Nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép, Thiếu tá Hà Trọng Hoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1 cho hay, Đội sẽ thường xuyên tuyên truyền cho các chủ bến, chủ phương tiện, thuyền viên chủ động phát hiện và tố giác tội phạm với lực lượng chức năng. Cùng với đó, tăng cường lực lượng trinh sát, mật phục nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ các phương tiện khai thác cát trái phép.
“Công an thành phố đã đề nghị Sở Giao thông - Vận tải tăng cường kiểm tra đăng kiểm, xử lý các phương tiện đường thuỷ hoạt động và neo đậu trên sông, đồng thời kiến nghị các sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm bến bãi không phép”, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết.
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, ngoài phân công Phòng Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy, công an các quận huyện thị xã, thời gian tới, sẽ phát huy vai trò của lực lượng công an chính quy về xã. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt để phát hiện để phối hợp đấu tranh có hiệu quả vấn đề phòng chống cát tặc.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tin rằng Hà Nội sẽ sớm xóa sạch những điểm nóng "cát tặc".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.