(HNM) - Đợt thi đại học đầu tiên đã diễn ra với sự tham gia của 306.000 thí sinh tại 19 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Trước ngày thi một vài ngày, sĩ tử dù bất kể ở đâu nhưng cứ đến Hà Nội là phải ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám thắp hương khấn vái và một việc không thể bỏ qua khi đến đây là "sờ" đầu rùa cầu may. Em thấy việc này như thế nào?
Em Bùi Văn Tuấn, ở Nam Định, dự thi vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân
- Em vừa xuống bến xe và đến thẳng Văn Miếu ngay để thắp hương và "sờ" đầu "cụ" rùa để "cụ" phù hộ độ trì cho em làm bài tốt trong đợt thi đại học diễn ra sắp tới. Thực ra, em cũng chẳng biết việc này "nghiệm" hay không nhưng thấy báo chí cứ đợt thi ĐH nào cũng vậy đưa tin, chụp ảnh liên tục về các thí sinh đến Văn Miếu cầu may. Vậy là em làm theo. Nhưng em đoán chắc rằng phải như thế nào thì chuyện này mới trở thành "thông lệ" trước giờ thi ĐH và không một sinh viên nào là không làm điều này trừ khi họ không dự thi ở Hà Nội. Không phải em xin "cụ" rùa phù hộ cho "trúng tủ" đề thi? Em có học "tủ" đâu mà xin như vậy. Em chỉ cầu trời khấn phật và "cụ" rùa độ trì cho em làm bài tốt, gặp nhiều điều may mắn trong ngày thi ví như không bị đi muộn, không bị tắc tàu, tắc xe, khỏe mạnh... Và biết đâu đấy, nếu gặp phải bài toán khó, "cụ" "soi đường chỉ lối", "khai tâm, khai sáng" để em làm được bài. (Cười...)
Em Trần Thanh Hà, ở Hà Nội, dự thi Trường ĐH Thương mại
- Em cũng vừa đến đây để "cầu may" như bao nhiêu bạn khác. Em đã thắp hương ở các ban, đã "xoa" đầu rùa và "hóa" cả vàng mã để biếu "các cụ" những mong "các cụ" phù hộ cho em thi đỗ ĐH đợt này. Không những thế, em còn thắp hương lên bàn thờ tổ tiên để tổ tiên độ trì cho em "cầu được ước thấy". Làm vậy nhưng thực tế thâm tâm em vẫn nghĩ rằng "cầu được ước thấy" hay không vẫn phải do khả năng học tập, ôn thi của mình. Chứ chỉ "cầu" mà không học thì khác nào phỉ báng, chế nhạo tổ tiên của mình và thần phật ở chốn linh thiêng Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nghĩa là phải phối hợp duy tâm - duy vật với nhau? Đúng thế ạ. Em thấy người Phương Đông vẫn vậy, nhất là những người theo đạo Phật, chưa biết ước muốn của mình có thành hiện thực hay không nhưng bên cạnh hiện thực hóa ước mơ phải nhờ đến cả tâm linh để cầu cho mọi thứ trở nên "thiên thời địa lợi nhân hòa" và quan trọng nhất là tự trong tâm họ cảm thấy yên tâm, thanh thản. Mà khi đi thi, nếu đạt được điều ấy thì quá tốt ạ.
Em Vũ Thanh Lương, ở Thanh Hóa, dự thi Trường ĐH Xây dựng
- Em thấy các bạn ở phòng trọ cạnh nhà em nô nức rủ nhau đi thắp hương ở Văn Miếu trước khi thi. Nhưng em không làm vậy và có lẽ em chỉ là số ít sinh viên như thế. Vì quan niệm của em khác, chẳng có kết quả nào mà lại do thần phật tạo nên. Chỉ có con người, khả năng của con người mới làm nên thành quả của chính họ. Yếu tố tâm linh không có bất kể "giá trị" nào trong kết quả này. Bởi vậy, việc cầu trời khấn phật ở Văn Miếu hay ở đâu đó chỉ mất thời gian và tự "ru ngủ" mình trong trường hợp cho rằng để tìm sự yên tâm, thanh thản... khi đi thi. Cách thức duy nhất của em là chỉ có học và học thì may ra mới tự tin khi đi thi. Ở nhà, em cũng có thắp hương lên bàn thờ tổ tiên vào dịp giỗ, Tết, nhưng đó không phải là để cầu may, ước nguyện đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc là để tưởng nhớ đến họ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.