(HNM) - Báo Hànộimới đã nhiều lần phản ánh về hoạt động trái phép của các bến bãi trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên.
Không chỉ thiếu quyết liệt...
Không biết từ bao giờ, tuyến đường đê Sông Hồng, đoạn từ xã Ninh Sở (Thường Tín) đến xã Khai Thái (Phú Xuyên) luôn phải oằn mình cõng hàng trăm chuyến xe tải chở VLXD (cát, đá, gạch...) mỗi ngày. Lưu lượng xe trọng tải lớn qua lại nhiều khiến mặt đê nhiều nơi vỡ vụn, xuống cấp nghiêm trọng, tạo thành thùng, vũng gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông. Ở vùng đất bãi ven Sông Hồng, những đống cát cao ngút tràn ra các bãi ngô, đỗ xanh. Từ những con dốc xuống các bãi tập kết VLXD, những chiếc xe tải chứa đầy "bụng" cát, ì ạch "bò" lên. Mặc dù từ năm 2013, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn giải tỏa bến bãi trung chuyển không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, quan sát tại một số bãi chứa VLXD, chúng tôi nhận thấy hầu hết các bãi vẫn còn chứa nhiều cát, đá; hoạt động kinh doanh, vận chuyển VLXD vẫn diễn ra, tuy tần suất giảm và cầm chừng hơn thời gian trước đây.
Do chậm hoàn thiện thủ tục thuê đất nên một số bãi tập kết cát ở hai huyện Thường Tín, Phú Xuyên phải hoạt động “chui”. |
Chiều 17-8, có mặt tại bãi tập kết VLXD do ông Đinh Văn Cuông là chủ hộ kinh doanh cá thể ở vùng bãi thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở (Thường Tín), xe ô tô ra vào bãi mua cát liên tục, bên trong bãi cát chất cao ngất, ước khoảng 5000m3. Trên những ụ cát, 2 máy xúc san gạt liên tục; phía cuối bãi, giáp Sông Hồng máy hút cát từ thuyền lên hoạt động hết công suất. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc xử lý các bãi tập kết VLXD không hợp quy hoạch, UBND huyện Thường Tín đã đình chỉ hoạt động của bãi này, thanh lý hợp đồng với chủ bãi, song chủ bãi chỉ chấp hành một thời gian. Tại thôn Duyên Trang, xã Hồng Thái (Phú Xuyên), chủ bãi là ông Đồng Văn Sơn đang cho máy múc xung quanh bãi sát với mép sông. Một lượng đá lớn cũng được tập kết tại đây.
Xe ô tô vận chuyển cát, đá liên tục ra vào. Mặc dù UBND huyện Phú Xuyên đã yêu cầu UBND xã Hồng Thái đôn đốc, giải tỏa bãi tập kết này xong trước ngày 17-4-2015, sau đó, lịch giải tỏa lại được gia hạn thêm đến ngày 24-5-2015. Đến ngày 26-5-2015, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính do có hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng và lúc này trên bãi vẫn đang tồn tại khoảng 300m3 cát vàng và cát đen (?). Để làm rõ thông tin, chúng tôi đã đến UBND xã Hồng Thái đặt lịch làm việc, cán bộ văn phòng UBND xã hẹn sẽ xếp lịch sau, nhưng gần một tháng trôi qua vẫn chưa thấy hồi âm. Tại xã Khai Thái, hai bãi tập kết VLXD không đúng quy hoạch ở thôn Lập Phương và Khai Thái vẫn hoạt động.
... mà còn thiếu tầm nhìn
Vì sao các bến bãi không đủ điều kiện vẫn hoạt động? Chính quyền địa phương bất lực hay tồn tại lợi ích nhóm nào chăng? Theo quan sát của chúng tôi, các bãi trung chuyển thường chỉ có một con đường độc đạo để vận chuyển cát ra khỏi bãi, nếu dùng barie hay đổ cột bê tông cố định ngăn không cho ô tô ra vào có thể là một biện pháp khả thi, nhưng chưa hẳn đã mang lại hiệu quả thực tế… Qua kiểm tra của các sở, ngành liên quan, thời điểm tháng 3-2015, tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) vẫn tồn tại 4 bãi chứa vật liệu tuy phù hợp với quy hoạch nhưng lại chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai. Về việc này, ông Nguyễn Hải Đăng, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho biết: Sau khi được các cơ quan chức năng hướng dẫn, đến nay cả 4 bãi chứa này đều đã hoàn thiện thủ tục về đất đai và đang hoạt động theo đúng quy định. Tuy nhiên, vì ranh giới giữa Hà Nội với Hưng Yên là tim Sông Hồng, do không có ngăn cách "cứng" nên việc quản lý các tàu hút cát rất phức tạp. Vì ranh giới rất mong manh nên các tàu hút cát vẫn có thể tranh thủ hút trộm trên phần sông thuộc địa bàn của xã quản lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thắng, Chủ tịch UBND xã Khai Thái cho biết: Đến thời điểm này, 2 bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn đều phù hợp với quy hoạch bãi trung chuyển của thành phố, song hiện tại vẫn đang trong quá trình chờ thực hiện các thủ tục pháp lý. Mặc dù xã đã bố trí lực lượng canh giữ, nhưng các chủ bãi chưa tuân thủ nghiêm ngặt lệnh dừng hoạt động, vẫn lén lút vận chuyển cát ra khỏi bãi.
Ông Nguyễn Viết Thắng băn khoăn: Cả bãi cát rộng hàng nghìn mét vuông, lại nằm ngay bên bờ sông ngày đêm đón gió nên lượng cát đã bị hao hụt đi đáng kể. Chủ bãi đề nghị xã cho họ vận chuyển cát ra khỏi bãi, nhưng do chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý nên không được vận chuyển.
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã gặp ông Nguyễn Văn Phan là chủ bãi trung chuyển vật liệu ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất (Thường Tín) với nỗi băn khoăn thường trực: Bãi trung chuyển của tôi đã bị thanh lý hợp đồng thuê đất và hiện chỉ còn khoảng 500m3 cát chủ yếu để phục vụ các công trình cho chính doanh nghiệp của tôi, còn hoạt động kinh doanh cát rất cầm chừng, hãn hữu vì UBND xã không cho hoạt động; trong khi đó, nếu đối chiếu với các quy định về bến bãi thì bến bãi này có thể đủ điều kiện để được cấp phép. Ông Đinh Văn Cuông, chủ bãi cát xã Ninh Sở (Thường Tín) cũng cho rằng: Chúng tôi hoạt động kinh doanh bến bãi trở lại là vi phạm, song do nhu cầu sử dụng VLXD của nhân dân quá lớn nên cũng… làm liều. Tìm hiểu các quy định, tôi thấy mình đủ các điều kiện để hoạt động bến bãi, do đó rất mong các sở, ngành sớm xem xét để công việc kinh doanh của doanh nghiệp đỡ gặp khó khăn. Được biết, trước thực tế về nhu cầu bến bãi trên địa bàn huyện Thường Tín, ngày 25-5-2015 UBND huyện có văn bản đề nghị UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung bãi chứa cát ở thôn Giáp Long, xã Thống Nhất và Đại Lộ, xã Ninh Sở vào quy hoạch bãi chứa trung chuyển VLXD của thành phố. Trước đề nghị này, ngày 6-8, UBND thành phố đã có Văn bản số 5446/UBND-TNMT, giao các sở, ngành xem xét và đến nay chưa có quyết định "chốt" vấn đề này.
Quá trình khảo sát trên thực tế, chúng tôi nhận thấy giữa dòng Sông Hồng vẫn xuất hiện các tàu hút cát và đó thường là những tàu đã được tỉnh Hưng Yên cấp phép. Việc quản lý rạch ròi địa phận thuộc Hà Nội và Hưng Yên rất khó khăn vì nếu không có phương tiện thì rất vất vả để phát hiện tàu hút cát đó đang hút thuộc địa phận của địa phương nào. Do trên cùng một khúc sông nhưng bên cho khai thác, bên lại cấm khai thác cát nên đã tạo sự nhập nhèm, nhiều chủ tàu vẫn cố tình "lạng" sang phần sông thuộc địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên để hút trộm. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2015, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã phối hợp với Công an huyện Phú Xuyên tổ chức kiểm tra, bắt giữ 4 chủ tàu khai thác cát trái phép trên Sông Hồng; xử phạt vi phạm hành chính 3 chủ tàu với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Đoạn Sông Hồng giáp ranh địa bàn xã Khai Thái còn có một bãi nổi thuộc quyền quản lý của tỉnh Hưng Yên và một số tàu được phép khai thác cát tại điểm này, song để vận chuyền được cát thì chỉ có một con đường duy nhất là đi qua xã Khai Thái? Điều này khiến nhiều chủ bến bãi ở Phú Xuyên "vượt rào" để hoạt động kinh doanh bến bãi, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Thực tế trên cho thấy việc quy hoạch bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng là yếu tố cần và đủ để buộc các chủ bãi phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Song để trật tự trên được thiết lập, đề nghị các sở ngành liên quan cần sớm hoàn thiện quy hoạch bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ở hai địa phương này, đồng thời hướng dẫn các chủ thể làm thủ tục thuê đất với cấp thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc quản lý Sông Hồng trên địa phận TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên cần phải khoa học, thống nhất để xóa bỏ những nhập nhèm đang tồn tại ở khúc sông này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.