Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin làm một chút mưa xuân

Trần Chiến - Ngọc Hải| 30/01/2011 06:37

(HNM) - Đường từ Cao Bằng sang Hà Giang đang sửa, bùn ngập nửa mét, có nhiều đoạn nhão nhoét như ruộng bừa ngấu. Chiếc Jolie dán dòng chữ "Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới" dò dẫm theo chiếc xe chạy dầu, 2 cầu, máy khỏe mang biển kiểm soát của địa phương. Bác tài nói nghiêm chỉnh: "Chả đi đâu mà vội, cứ để "nó" chạy trước, có gì "hy sinh" trước". Tuy thế mối lo ấy quá xa. Dọc đường bà con khá để ý những dòng chữ trên xe Hà Nội, rất cảm kích.

Bỏ lại đằng sau những cánh đồng "bát ngát" - nghĩa là được vài chục héc ta - chạy dọc suối của Cao Bằng, chúng tôi đi vào một phong cảnh ngày một đơn sơ. Đường 34 bên sông Gâm, bên núi đá lộn phộc lên trời, chốc chốc mọc lên chiếc xe máy, không thể nhìn thấy mặt người lái. Cây sa mộc cành lá cứng, nhọn, in lên nền trời lại làm bớt cảm giác khắc khổ. Trâu bò gầy guộc "tản bộ" trên đường. Những bóng đàn bà bé nhỏ đèo nặng bó cỏ bò leo dốc thăm thẳm, chả biết đi cắt từ bao giờ, bao giờ thì về đến nhà. "Sao con người áo trong áo ngoài mà không biết vận cho bò, để nó chết rét nhỉ?", câu hỏi bật ra trên xe. Một người thông thạo: "Cũng không dễ. Bện rạ làm áo tơi cho nó được, nhưng nhốt chung trong chuồng thì con nọ gậm áo con kia, kiếm tấm bạt dứa may ra ngoài khó lắm…". Mải chuyện, đột ngột trong màn mưa xộc ra chiếc xe ngược chiều.

Đậm chiều, bỏ đường 34 rẽ lên Mèo Vạc. Thị trấn vùng tột Bắc thình lình hiện ra khi xe bổ xuống đèo. Trừ phiên chợ bò, ngựa họp chủ nhật tấp nập và đêm chợ tình Khâu Vai nổi tiếng cả nước, phố huyện đìu hiu lắm. Nhà nào cũng có gốc đào trước mặt, rét quá cành khô khẳng, mắt mấu thâm tím chả biết tháng nữa có đơm nụ được. Nhưng trẻ vẫn phong phanh, má con gái cứ hồng. Đang độ Tết Mông, cán bộ người xuôi ở huyện có hơn 90% dân Mông yên tâm ở lại ăn Tết Nguyên đán. Trong cái rét cắt ruột và nỗi nhớ nhà, chén rượu làm ấm lòng người lắm. Nhà hàng chúng tôi ăn tối có vài mâm nữa, cán bộ xã ra họp chuyện râm ran. Một bí thư ngoài ba mươi đi gần chục vòng chúc người Hà Nội lên, lần nào cũng chỉ một câu: "Em có ý kiến, em ở Khâu Vai…".

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới trao hỗ trợ trực tiếp cho người dân bị thiệt hại do rét đậm, rét hại tại xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc.

Hà Giang có nhiều chuyến cứu trợ từ xuôi lên đợt áp Tết, tỉnh ưu tiên chọn mấy huyện vùng núi đá tiếp nhận. Yên Minh, Quản Bạ thấp, ấm hơn, nên quà dành nhiều cho Đồng Văn, Mèo Vạc. Mèo Vạc trước gần như chỉ "chuyên canh" ngô, có một vụ, năm thiếu ăn chừng hai tháng. Ngô gieo ngoài Tết, khi mưa xuống, bắp tẽ ra đem xay để khô làm mèn mén ăn quanh năm, thân chụm đống như người mặc áo tơi đứng ngoài nương, để đốt. Núi đá rừng mọc khó, cây lại ngày càng hiếm, đâm cái cảnh trong nhà có gộc củi ngún suốt ngày đêm quen thuộc cũng trở nên xa lạ. Sau cái lạnh chết trâu năm 2008, người ta được thảnh thơi đôi mùa đông, để rồi năm nay lại phải gặp nó. Cứ tưởng từng đợt ngắn ngày gia súc còn sức chịu đựng, ai ngờ rét lâu quá, không thả trong rừng mà trâu bò vẫn đổ bệnh, ngã kềnh ngay trong chuồng. Trời độc hại người nghèo, cái nghèo khó hay bó cái khôn, đấy là tình trạng phổ biến. Chứ còn những nhà khá mua bò tơ về vỗ béo đem bán - nghĩa là biết làm kinh tế hàng hóa, vừa có lực chuẩn bị thức ăn, bạt che, thậm chí đốt gốc củi bảo vệ chúng khỏi cái lạnh giá.

Mấy năm trước đến Mèo Vạc, Chủ tịch huyện khoe đàn trâu, bò tăng trưởng khá, có cơ thành một ngành kinh tế mũi nhọn khả dĩ bù đắp lại bữa ăn thiếu thốn của dân vùng xa. Cỏ voi, cỏ Goatêmala mọc tứ thời, trong những bậc ruộng đắp bờ đá, cung cấp thức ăn cho gia súc ở nơi cỏ chẳng lên được. Trời không hành, đôi năm một lần, cặp vợ chồng Mông có thể dắt được trâu, bò, ngựa xuống chợ huyện bán, ăn xong bát thắng cố và que kem còn dăm triệu mang về, đỡ lắm. Và trong mắt người xuôi lên, màu cỏ xanh và hoa tam giác mạch hồng làm tươi hơn cái khung cảnh rừng đá xám xịt đâm ngược lên nền trời âm u. Cao nguyên đá là vậy!

Còn năm nay, ông Phạm Quang Tân, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: "Mèo Vạc còn nghèo quá các anh ạ. Cái ăn, cái mặc còn chưa đủ no, chưa đủ ấm. Rét đậm kéo dài thế này, trâu, bò chắc chắn sẽ còn chết nhiều". Thống kê của Mèo Vạc, tổng thu ngân sách của toàn huyện năm 2010 đạt hơn 20 tỷ đồng. Nếu so sánh với dưới xuôi chắc chỉ bằng một doanh nghiệp cỡ trung bình. Như thế cũng đúng thôi khi mà cả huyện có 71 nghìn nhân khẩu thì chỉ có 21 nghìn héc ta đất có thể canh tác. Tính tổng thể là thế, nhưng đất gieo trồng của Mèo Vạc lại quá manh mún và nằm cheo leo trên những triền đá tai mèo nham nhở, cách nhà ở đến vài cây số đường núi. Cũng vì vậy, thu nhập trung bình của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện chỉ đạt chưa đầy 5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 63%; tỷ lệ hộ có điện lưới quốc gia mới đạt 50%. Ông Phạm Quang Tân cũng cho biết thêm, chính vì địa hình đầy hiểm trở ấy, 3 năm gần đây, khi phát hiện cây cỏ voi và cây cỏ Goatêmala, Mèo Vạc bắt đầu phát triển đàn đại gia súc như một ngành kinh tế mũi nhọn. Tính ra, chỉ trong 3 năm, đàn đại gia súc gồm trâu, bò, dê, ngựa của Mèo Vạc đã phát triển từ 60 nghìn con (năm 2007) lên 85 nghìn 600 con (năm 2010). Diện tích trồng cỏ cũng được tăng từ 2.000ha lên 4.300ha. Nỗ lực vượt khó, ấy thế mà chưa kịp phát triển thì gần như liên tiếp, năm 2008 và năm 2010, tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc lại hứng chịu hậu quả của thiên nhiên khắc nghiệt. Riêng năm 2010, cái lạnh kéo dài có lúc xuống đến 2 độ C đã khiến đàn trâu, bò cứ hao hụt dần. Tính từ đầu đợt lạnh đến nay, nếu như toàn tỉnh Hà Giang có gần 2.400 con trâu, bò, dê chết thì riêng Mèo Vạc đã chết gần 500 con. Cũng may là tập quán của người dân tộc Mông, Tày… trên địa bàn huyện đã có thói quen nuôi nhốt, không chăn thả như một số vùng bà con dân tộc khác. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã có công văn chỉ đạo thành lập các tổ công tác thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các hộ tăng cường che chắn và tăng cường thức ăn cho gia súc. Thế nhưng, với huyện nghèo như Mèo Vạc, cái ăn còn chưa đủ nói gì đến tăng cường thức ăn cho gia súc. Ông Phạm Quang Tân cảm động nói, 200 triệu đồng hỗ trợ từ Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới chính là ngọn lửa ấm, là sự hỗ trợ kịp thời và thiết thực nhất đối với nhân dân Mèo Vạc.

Điểm xã được huyện Mèo Vạc chọn để "thay mặt" các nơi khác nhận cứu trợ của Quỹ Trái tim nhân ái là Sủng Trà, cách trung tâm huyện chưa tới mươi cây số. Bà Nguyễn Thị Thanh Minh, Tổ trưởng tổ công tác xây dựng cơ sở vững mạnh tại xã Sủng Trà (huyện Mèo Vạc) cho biết, Sủng Trà là xã nghèo của huyện, nhiều hộ đến nay chưa mua nổi trâu, bò làm sức kéo. Vì vậy cái nghèo, cái đói cứ bám riết. Để bảo vệ đàn gia súc, tổ công tác thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn các hộ che chắn, làm sàn cho trâu, bò khỏi cước móng do lạnh. Bởi nếu trâu, bò không được làm sàn dễ sinh bệnh, có thể chết trong mùa rét. Bám chặt cơ sở là thế, cùng bà con lăn lộn để chống rét, vậy mà đến nay Sủng Trà cũng có đến gần 30 trâu, bò bị chết vì không chịu nổi được cái giá lạnh của vùng cao nguyên đá.

Sáng ra trên những đỉnh núi ngùn ngụt sương mù loe nhoe chút nắng, vậy mà nhiệt kế trong trụ sở ủy ban cũng chỉ "ngóc" lên đến 6 độ. Sủng Chà có 97% dân là người Mông, còn lại người Dao, tổng thu cả năm từ thuế, lệ phí bán thịt lợn (5.000 đồng một con) được 2 triệu đồng, chả biết được mấy phần nghìn, phần vạn xã dưới xuôi… Dân không có gì bán, bán cũng không mua gì được. Nước khan, cả nghìn năm rồi hứng từ mái nhà. Rồi nhiều gia đình được Nhà nước xây cho cái bể vài khối, chỉ để nấu ăn. Mới đây cả bốn huyện núi đá được trên cho 30 hồ treo, nghĩa là quây chỗ có mạch lại làm nước dùng dần, thì Mèo Vạc được 10 cái, trong đó Sủng Trà một hồ hơn 7.000 khối.

Đỡ lắm. Nhưng nước cho cây ngô một vụ chỉ xuống vào mùa xuân. Mà ai đẻ cũng hăng. Những người có trâu, bò chết rét nhận hỗ trợ chúng tôi gặp đều bảy, tám con. Chủ tịch xã Li Mi Chả, chả biết đã đến ba mươi chưa, đã ba đứa. "Đẻ thế thôi, không thì không được ngồi ghế chủ tịch nữa", anh bảo. Nhưng "phanh" lại không dễ, người Mông vùng này không đặt vòng, chả phải vì sợ ốm mà vì kiêng kỵ "làm trái tự nhiên". Cái suy tính "cứ thế làm sao thoát nghèo nổi" chỉ là của người vùng xuôi. Mấy ông chủ gia đình trong diện hỗ trợ đều không biết tiếng phổ thông. Họ cảm kích với số tiền nhận được, tất nhiên, nhưng chỉ qua ánh mắt chứ không thành lời được. Thông tin từ họ, thông qua lời dịch của cán bộ xã cũng ít ỏi. Đại loại, Sùng Mý Cở, 36 tuổi, đẻ 6 trai 2 gái từ 1 đến 20 tuổi, có 0,8ha ngô. Con bò duy nhất mua năm trước 6 triệu đồng, nay được 2 tuổi, chuồng chỉ cách nhà mấy bước chân, nghĩa là ít nhiều đỡ gió, quỵ giữa trưa. Mý Cở cùng con trai lớn đi làm nhà thuê, 4 tháng rồi kiếm được 6 triệu đồng. Bò chết, đứa bé biết lo: "Lấy đâu tiền mua nữa, bố?". Ông Mua Sai Nô, 50 tuổi, có nhiều nương hơn, 1,5ha ngô, bể 4 khối đựng nước mái nhà, nhưng cũng 8 con, bé nhất hơn tuổi, lại bị tật ở chân. Rét dứt mất của nhà ông con bò khoảng 8 triệu, còn lại con 3 tuổi, lúc mưa xuống sẽ rất vất. Cả Mý Cở và Sai Nô đều bảo tiền hỗ trợ sẽ mua thêm lợn, gà thôi, tậu nghé cũng không đủ. Và dù đã mất mát, Tết Mông trong mấy ngày tới cũng phải có tý gà lợn, câu cúng thì tự đọc, không mượn thầy về cho đỡ tốn kém.

Rời khỏi Mèo Vạc về xuôi, chiếc Jolie Quỹ Trái tim nhân ái trôi dần vào một nhịp sống ngày càng khỏe khoắn. Thị xã Hà Giang, huyện Bắc Quang cam đỏ ối đóng thùng làm quà, lèn xe tải về chợ. Qua Chiêm Hóa, mỗi gốc đào được bọc áo ni lông chuẩn bị thắp riêng ngọn điện, thúc cho hoa ra kịp Tết… Tết Con Mèo này, giữa những người thân ở Thủ đô, cái dư vị rét thật đậm lưu lại, lòng người có những cảm giác thật riêng. Sự vất vả có vị ngọt ngào của nó…

* *
*

Lời kết: Vậy là trong một tuần, luôn xuất phát từ khi tờ mờ sáng và về nơi nghỉ lúc nửa đêm, cả ngày ngâm mình trong giá lạnh thấu xương, lặn lội tới nhiều bản làng xa xôi, hai đoàn cứu trợ của Báo Hànộimới đã qua sáu tỉnh miền núi phía Bắc. Số tiền hỗ trợ 1,2 tỷ đồng lần này của doanh nghiệp thông qua Báo chuyển đến những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt rét kéo dài vừa qua tuy chưa phải là nhiều, khi chia đều cho các tỉnh, nhưng là tấm lòng, là nghĩa đồng bào, là truyền thống tương thân tương ái và cả sự biết ơn đối với những người dân đang nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng nơi phên dậu của Tổ quốc.

Với người dân Việt, càng gần Tết, càng muốn nhanh chóng về nhà với những người thân yêu. Nhưng qua mỗi bản làng, tận mắt thấy được cuộc sống của những người "đến cái ăn cho người còn thiếu, nói gì đến trâu, bò…" chúng tôi còn muốn đi nữa. Nhìn cảnh lũ trẻ vùng cao mặt mũi nguệch ngoạc, quần áo phong phanh trong gió rét, có phóng viên trẻ trong đoàn đã khóc, nói: "Nếu bây giờ có tiền hỗ trợ từ các doanh nghiệp gửi đến, em sẽ đi qua Tết…". Ngày mai, chúng tôi sẽ về xuôi. Những cái bắt tay thật chặt, rượu ngô thơm nồng mới chạm môi mà khóe mắt đã cay xè. Xin được làm chút mưa xuân cho vùng đất nơi đây đỡ khô cằn, lạnh giá. Vùng cao thân yêu ơi, hẹn ngày đầu xuân chúng tôi sẽ trở lại!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xin làm một chút mưa xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.