Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xin đừng im lặng!

Minh Ngọc| 29/11/2017 06:53

(HNM) - Trên phạm vi cả nước, cứ trung bình 3 phụ nữ lại có một người từng bị bạo lực; cứ 8 giờ đồng hồ lại có một trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó đa số là trẻ em gái. Số liệu thống kê mới nhất này của Bộ LĐ-TB&XH khiến mỗi chúng ta không khỏi suy nghĩ...

Nơi ươm mầm hy vọng

Nhân Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12, chúng tôi đã đến nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động và được sẻ chia nhiều câu chuyện về bạo lực gia đình, về bất bình đẳng giới.

Một buổi sinh hoạt trong Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.

Trong Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) nằm trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), nhiều phụ nữ, trẻ em từng bị bạo lực, xâm hại quây quần đầm ấm dưới mái nhà chung. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau, làm những nghề khác nhau nhưng có chung nỗi đau giấu kín. Chị N.T.H (huyện Phúc Thọ) kể, gia đình chị gặp sóng gió từ khi con gái nhỏ bị xâm hại tình dục. Chuyện đến tai chồng chị, những tưởng anh sẽ là điểm tựa giúp cả nhà vượt qua nỗi đau, nhưng chính anh lại trút nỗi tức giận lên mẹ con chị. Chị H nhiều lần bị chồng hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, khiến chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Trường hợp như của chị H không phải là hiếm gặp...

Hoạt động từ năm 2007 đến nay, Ngôi nhà bình yên đã hỗ trợ cho hơn 1.000 nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; hỗ trợ, tư vấn cho gần 10.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn. Những trường hợp bị bạo lực đều được điều trị ổn định về tâm lý, sức khỏe; tư vấn, hỗ trợ học nghề. Trẻ em được chăm sóc toàn diện, được tạo điều kiện thuận lợi để đến trường, hòa nhập cuộc sống. Bởi thế, Ngôi nhà bình yên được ví như nơi tái sinh, nơi ươm mầm hy vọng vào tương lai.

Ngoài Ngôi nhà bình yên, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đóng tại quận Nam Từ Liêm và hàng nghìn địa chỉ tin cậy trên địa bàn Hà Nội trở thành nơi tạm lánh an toàn cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Ước tính, cả nước có hàng chục nghìn địa chỉ tin cậy, điểm tạm lánh an toàn tại cộng đồng. “Mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng ngày càng được nhân rộng, trở thành mạng lưới bảo vệ, hỗ trợ, tư vấn cho nạn nhân bị bạo lực, xâm hại an toàn và hiệu quả”, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Đừng im lặng!

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, không phải nạn nhân nào cũng tìm đến địa chỉ tin cậy hay nhà tạm lánh để được giúp đỡ. Số vụ bạo lực, xâm hại được đưa ra ánh sáng mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rất nhiều nạn nhân im lặng hoặc tìm đến dịch vụ hỗ trợ trực tuyến vì muốn giấu chuyện của mình.

Chị Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) cho hay, trong gia đình, sự cam chịu của phụ nữ, tâm lý e ngại không muốn “vạch áo cho người xem lưng” là nguyên nhân khiến bạo lực gia đình còn “đất sống”. Ngoài xã hội, định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ còn tồn tại khiến một bộ phận nam giới tự cho mình có những quyền lớn hơn phụ nữ. “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Trẻ em được pháp luật và xã hội bảo vệ. Khi thấy các vụ việc bạo lực, xâm hại hoặc thấy nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân và những người xung quanh đừng im lặng, hãy lên tiếng”, chị Lê Thị Phương Thúy nhắn nhủ.

Ngoài định kiến về giới, việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo cũng là nguyên nhân khiến nhiều nạn nhân bị bạo lực, xâm hại không tìm đến sự hỗ trợ. Để mạng lưới địa chỉ tin cậy tại cộng đồng phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần triển khai gói dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực một cách rộng rãi. Gói dịch vụ này sẽ hỗ trợ nạn nhân toàn diện, cả về y tế, luật pháp, việc làm… nên cần sự phối hợp, tham gia của nhiều ngành.

Trên thực tế, đa số vụ việc bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em được phản ánh đến các dịch vụ hỗ trợ đều được cơ quan chức năng can thiệp, giúp đỡ kịp thời; đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại bị xử lý nghiêm minh. Vụ việc bé gái hơn một tháng tuổi ở TP Phủ Lý (Hà Nam) bị người giúp việc bạo hành hay vụ bảo mẫu hành hạ, đày đọa trẻ em dã man tại cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12, TP Hồ Chí Minh xảy ra gần đây là những ví dụ điển hình. Bởi vậy, không có lý do gì để nạn nhân phải âm thầm chịu đựng. Và, việc tiếp tục mở rộng, phát triển mô hình nhà tạm lánh, những địa chỉ tin cậy sẽ giúp phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực, xâm hại có thêm cơ hội “tái sinh”, hòa nhập với cộng đồng.

Ngày 28-11, Viện Kiểm sát nhân dân quận 12, TP Hồ Chí Minh, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Mỹ Linh, sinh năm 1974, chủ cơ sở Mầm non Mầm Xanh về tội "hành hạ người khác". Trước đó, hành vi đánh đập trẻ em tại cơ sở Mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) đã bị báo chí phanh phui.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xin đừng im lặng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.