(HNMCT) - Sau hơn 1 năm kể từ ngày Liên minh Châu Á vì động vật (AFA) kêu gọi cấm sử dụng động vật hoang dã để biểu diễn xiếc thú ở Việt Nam, giờ đây, khán giả nhỏ tuổi đã được làm quen với những người bạn mới là những con thú nuôi quen thuộc. Sự thay đổi này là phù hợp với xu thế chung của thế giới, mang đến cho khán giả những buổi biểu diễn thực sự thú vị và nhân văn.
Trâu, lợn, mèo... lên sân khấu xiếc
Khán giả đến xem xiếc tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam dịp hè này dường như đều có đôi chút ngạc nhiên khi những con vật tưởng như không thể làm xiếc nay lại có những tiết mục biểu diễn hết sức dễ thương.
Trong chương trình xiếc công phu Cuộc phiêu lưu của chú Tễu, được xây dựng dành cho các em nhỏ từ đầu tháng 6 vừa qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã đưa lên sân khấu các thú nuôi quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày như trâu, lợn, mèo... Chúng được huấn luyện thành thục, mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc, trên một sân khấu được đầu tư hiện đại.
Trước đó, trong một số chương trình, đặc biệt là tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc vào cuối năm 2018, Liên đoàn cũng đã đưa tiết mục Xiếc mèo vào thi cùng với nhiều tác phẩm xiếc đỉnh cao khác.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Liên đoàn đang đưa vật nuôi vào thay thế dần động vật hoang dã và đã có những vở diễn thành công.
Việc chuyển đổi dần từ động vật hoang dã sang thú nuôi vào biểu diễn xiếc cũng được khán giả Thủ đô hưởng ứng nhiệt tình. Chị Thanh Vy, một khán giả ở quận Đống Đa cho biết, đã nhiều năm chị không cho con đi xem xiếc thú bởi chị sợ cảm giác phải chứng kiến những con vật bị bạo hành.
“Khi xem những bộ phim dành cho thiếu nhi gần đây như Dumbo: Chú voi biết bay, Đẳng cấp thú cưng 2... bọn trẻ đã khóc rất nhiều khi thấy những con voi, con hổ bị tách ra khỏi môi trường tự nhiên vốn có của chúng, bị đánh đập dã man trong quá trình huấn luyện làm xiếc. Do vậy các con cũng không muốn xem xiếc voi, xiếc hổ như trước đây nữa. Nhưng khi những chú chim câu hay chó, mèo... lên sân khấu thì bọn trẻ vẫn rất thích bởi đây là những con vật gần gũi, lại dễ huấn luyện để thực hiện một số trò dễ thương”, khán giả này chia sẻ.
Tiến tới bỏ hoàn toàn xiếc thú hoang dã
Việc thay thú hoang dã bằng các loài động vật nuôi trên sân khấu xiếc không chỉ là đáp lại lời kêu gọi cấm xiếc thú do Liên minh Châu Á vì động vật đưa ra cách đây một năm, mà còn phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Người dân Italia, một trong số ít quốc gia châu Âu còn đang lưỡng lự với việc cấm dùng động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, vừa chứng kiến một sự việc động trời. Ngày 4-7 vừa qua, 4 con hổ trong rạp xiếc Orfei tại miền nam nước này đã xông vào tấn công và giết chết người huấn luyện hổ - ông Ettore Weber, được coi là một trong những nhà thuần hóa hổ rạp xiếc giỏi nhất thế giới.
Sự kiện này đã khiến nhiều tổ chức cũng như cộng đồng người yêu động vật hoang dã ở Italia và thế giới phải đứng ra kêu gọi Chính phủ Italia nên đẩy nhanh việc ban hành luật về cấm sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc.
Còn ở Việt Nam, NSƯT Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng đánh giá: Xiếc thú là biểu tượng không thể thiếu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam qua hơn 60 năm phát triển. Xiếc thú đã phục vụ biết bao thế hệ khán giả từ em nhỏ đến cụ già. Tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, các con thú đang được sử dụng đều hưởng chế độ tốt nhất về cơ sở hạ tầng, ăn uống, sức khỏe...
Tuy nhiên, việc dùng thú hoang biểu diễn ở đây cũng đang được hạn chế để phù hợp với xu thế chung cũng như đáp lại lời kêu gọi của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và những người yêu động vật. “Liên đoàn hiện còn một con voi, 6 con gấu và mấy đàn khỉ...
Chúng tôi cũng đã đưa nhiều vật nuôi vào thuần hóa và biểu diễn để thay thế động vật hoang dã như chó, mèo, lợn, dê... Thời gian tới, Liên đoàn sẽ tiếp tục chuyển đổi hoặc thay thế các con vật thật bằng các bộ quần áo giả thú do người biểu diễn”, NSƯT Tống Toàn Thắng cho hay.
Được biết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã cam kết không tiếp tục đầu tư, mở rộng việc đào tạo thú hoang dã. Những thú hoang dã đã già sẽ được chuyển đến những nơi nuôi dưỡng mới. Hiện đơn vị này cũng còn hơn 40 nhân sự huấn huyện các loại động vật hoang dã, sắp tới họ sẽ dần chuyển sang nuôi dạy các loại thú nuôi khác.
Bỏ xiếc thú hoang dã là hành động nhân văn, phù hợp xu hướng thế giới. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì chỉ những biến chuyển ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam là chưa đủ. Ngoài các đoàn xiếc chuyên nghiệp như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Xiếc Hà Nội, Đoàn Xiếc thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Xiếc nhân dân tỉnh Long An..., ở Việt Nam còn nhiều đoàn xiếc tư nhân, gánh xiếc nhỏ lẻ đang sử dụng một số loại thú hoang dã như khỉ, gấu... vào biểu diễn.
Bởi vậy, chúng ta cũng cần tính đến việc luật hóa vấn đề này nhằm giảm nhanh tình trạng sử dụng thú hoang dã trong biểu diễn xiếc, tiến tới bỏ hoàn toàn xiếc thú hoang dã.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.