(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, ngày 26-10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến hành vi
Các bị cáo trong vụ án đều nguyên là cán bộ của RPMU, gồm: Phạm Hải Bằng (SN 1969, nguyên Phó Giám đốc RPMU); Nguyễn Nam Thái (SN 1977, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3, thuộc RPMU); Trần Văn Lục (SN 1958, nguyên Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (SN 1964, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt); Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962, nguyên Giám đốc RPMU) và Phạm Quang Duy (SN 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU). Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh Tòa Hình sự - TAND thành phố làm chủ tọa. Tham gia tranh tụng, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo có 8 luật sư.
Trong ngày làm việc đầu tiên, đại diện Viện KSND đã công bố cáo trạng. Theo đó, cuối năm 2008, Bộ GT-VT phê duyệt dự án Đường sắt đô thị tuyến số 1 (giai đoạn 1), giao RPMU làm chủ đầu tư dự án, Phạm Hải Bằng được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm dự án. Tháng 9-2009, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ tư vấn kỹ thuật với liên danh do Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đứng đầu. Tháng 2-2014, Phạm Hải Bằng trực tiếp thỏa thuận với đại diện JTC, đề nghị hỗ trợ RPMU các khoản tiền liên quan đến quá trình triển khai dự án, chủ yếu là tiền tổ chức hội họp, tiếp khách, đi lại, làm ngoài giờ... JTC đã nhận lời và chuyển cho Phạm Hải Bằng 11 tỷ đồng. Các bị cáo biết việc thỏa thuận và nhận tiền nhưng "làm ngơ", nhận tiền "quà tết" từ Phạm Hải Bằng...
Cáo trạng của cơ quan công tố đánh giá, hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn" để thỏa thuận ngoài hợp đồng giữa Phạm Hải Bằng cùng các cán bộ của RPMU với các nhà thầu đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, đến mối quan hệ hợp tác truyền thống, lâu đời giữa Việt Nam và Nhật Bản trong việc vay vốn và sử dụng vốn vay ODA, quá trình xử lý sai phạm làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Ngày làm việc đầu tiên, HĐXX cũng đã thẩm vấn các bị cáo. Trả lời HĐXX và luật sư, bị cáo Phạm Hải Bằng cho rằng bản thân không phải là người chủ động đặt vấn đề về các khoản "phí" mà chính JTC chủ động đề cập và chuyển tiền, Bằng chỉ nhận và "chi giúp" và việc đó không sai (!?). Bị cáo cũng không nhớ nhận tiền bao nhiêu lần từ nhà thầu vì số tiền này không được lập sổ sách chi tiêu... Các bị cáo khác, người thì phủ nhận việc nhận tiền từ Phạm Hải Bằng, người thì thừa nhận có nhận quà nhưng cho rằng không biết đó là từ nguồn tiền của JTC.
Phát biểu tại tòa, bày tỏ quan điểm buộc tội đối với các bị cáo, đại diện Viện KSND khẳng định, cáo buộc đã nêu tại cáo trạng, đề nghị bị cáo Phạm Hải Bằng mức án 11-13 năm tù giam, buộc phải nộp hơn 3,6 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính. Bị cáo Nguyễn Nam Thái bị đề nghị 10-12 năm tù giam, nộp hơn 2,8 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính. Bị cáo Phạm Quang Duy bị đề nghị mức án 8-10 năm tù giam, nộp hơn 2,3 tỷ đồng tiền thu lợi bất chính.
Bị cáo Trần Văn Lục bị đề nghị mức án 6-8 năm tù giam, nộp 100 triệu đồng bổ sung công quỹ. Bị cáo Trần Quốc Đông bị đề nghị mức án 7-9 năm tù giam. Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu bị đề nghị mức án 7-9 năm tù giam, phải nộp 50 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan công tố đề nghị tòa kê biên tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để phục vụ thi hành án.
Phiên tòa tiếp tục diễn ra trong ngày hôm nay 27-10.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.