(HNMO) - Thông tin đáng chú ý trong vài ngày gần đây là việc một số trường đại học ở tốp trên lần lượt điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2020 bằng việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) để xét tuyển thay cho phương án tổ chức kỳ thi riêng đã công bố.
Điều này khiến học sinh khá phấn khởi, bởi phần nào giảm được nguy cơ phải tham dự thêm các kỳ thi từ phía các trường đại học, song cũng đặt ra mối băn khoăn về việc bảo đảm công bằng khi mà kỳ thi được giao cho địa phương tổ chức.
Đa số các trường xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT
Mặc dù đã công bố sẽ tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh đại học năm 2020, song tối 4-5, Đại học Quốc gia Hà Nội lại thông báo không tổ chức kỳ thi này. Lý giải về sự điều chỉnh này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, sau khi họp, thảo luận trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nhằm giảm áp lực cho thí sinh, đơn vị đã quyết định không triển khai kỳ thi riêng mà sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Như vậy, phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay vẫn ổn định như năm 2019, trong đó, ngoài việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, đơn vị sẽ mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chuẩn bị sẵn phương án dự phòng trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT, đơn vị sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập cấp THPT kết hợp với hình thức kiểm tra, đánh giá từ xa.
Với cùng mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh, ngày 5-5, Trường Đại học Ngoại thương cũng công bố quyết định dừng tổ chức kỳ thi phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội phục vụ việc xét tuyển đại học năm 2020. Ngoài phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường xét tuyển đại học theo 4 phương thức khác, gồm: Xét tuyển thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải cấp tỉnh, thành phố và hệ chuyên; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập cấp THPT dành cho hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả thi THPT; xét tuyển thẳng.
Trước đó, nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội, như Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường Đại học Thương mại, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Đại học Lâm nghiệp Hà Nội, Đại học Văn hoá Hà Nội… cũng đã công bố tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Như vậy, đến thời điểm này, chỉ còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có phương án tổ chức kỳ thi riêng bên cạnh việc sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trên cơ sở thực tế của các năm trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự báo, năm nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và một vài phương thức tuyển sinh khác để tuyển sinh. Chỉ những trường có mức độ cạnh tranh cao hoặc nhóm ngành đặc thù, như y dược, công an, quân đội… mới tổ chức thi tuyển với tỷ lệ học sinh tham gia từ 10% đến 20%. Vì vậy, về cơ bản, không có nhiều xáo trộn so với năm trước.
Việc hầu hết các trường đều dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển đại học từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 khiến học sinh phấn khởi. Em Lê Trung Hiếu, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Ba Đình), chia sẻ: “Chúng em sẽ bớt đi mối lo về nguy cơ có thể phải thi thêm một vài kỳ thi do các trường đại học tổ chức. Vì vậy, việc học tập có phần thoải mái và bớt áp lực hơn, nhất là khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là tới kỳ thi”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cho biết, với mục tiêu tạo sự ổn định cho thí sinh, nhất là khi các em có nhiều khó khăn trong học tập do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường quyết định sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và tin tưởng vào chất lượng của kỳ thi này.
Tuy nhiên, bà Trần Mai Anh, phụ huynh học sinh Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) lại bày tỏ băn khoăn: "Theo tôi được biết, kỳ thi năm nay sẽ được giao toàn quyền cho địa phương tổ chức, không có sự tham gia của các trường đại học như năm trước. Nếu không có thước đo chung, tỉnh này làm nghiêm, tỉnh khác lơi lỏng, e rằng kết quả kỳ thi khó bảo đảm thực chất, học sinh ở tỉnh này có thể thiệt thòi hơn so với tỉnh khác".
Đề cập đến nội dung này, ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (quận Đống Đa) cho rằng, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, vì vậy, cần làm tốt khâu lựa chọn nhân sự tham gia làm thi, trong đó khâu kiểm tra, giám sát cần được đặc biệt coi trọng. Những cán bộ tham gia giám sát có thể được đổi chéo giữa các địa phương để bảo đảm tính khách quan. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và giám sát ở khâu chấm thi cũng là giải pháp cần được lưu tâm để kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực chất, làm căn cứ để các trường đại học yên tâm sử dụng xét tuyển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.