(HNM) - Chiều qua (12-7), người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL đã chính thức trả lời bằng văn bản những thắc mắc của báo chí liên quan đến những kiến nghị gây xôn xao vừa qua của các nghệ sĩ về giải thưởng Nhà nước.
Từ điểm nhìn về "Công tác tuyên truyền, hướng dẫn giải thưởng chưa đủ tầm…" được nêu rõ trong trao đổi chuyên đề "Tình hình trao giải thưởng VHNT hiện nay" của Hội đồng LLPB VHNT, Hànộimới mong góp một cái nhìn thấu đáo hơn đối với vấn đề này.
1. Kiến nghị về giải thưởng - chuyện bình thường?
Việc một số nhạc sĩ gửi đơn kiến nghị lên Hội Nhạc sĩ, Bộ VH,TT&DL về chất lượng đề cử giải thưởng Nhà nước về âm nhạc "xôn xao" trên báo chí vừa qua, rồi chuyện các nữ biên kịch gửi kiến nghị về việc đạo diễn Nguyễn Thước được đề nghị tặng giải thưởng Nhà nước là hoàn toàn phù hợp với quyền lợi được quy định ngay tại Thông tư 03/2010 "Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT" của Bộ VH,TT&DL. Trong đời sống VHNT, những ý kiến phản hồi (trong khuôn khổ pháp luật và phép ứng xử thông thường) đối với quyết định của Hội đồng nghệ thuật có thể xem như là một hoạt động lành mạnh. Trả lời báo chí, chiều qua, ông Tô Văn Động, Chánh văn phòng Bộ VH,TT&DL khẳng định: "Bộ cũng từng nhận được một số đơn thư trong các kỳ xét tặng giải thưởng và danh hiệu trước đây, thực ra đây là một việc bình thường. Bởi lẽ mỗi người đều có quyền bày tỏ ý kiến của mình về các vấn đề mà họ quan tâm".
Tuy nhiên, điều đáng buồn, cũng như điều không bình thường là dường như chuyện bị đẩy đi theo hướng người các bên trở nên đối lập, xa nhau hơn. Điều này, Bộ VH,TT&DL cũng thừa nhận "sẽ tốt hơn nếu các băn khoăn, thắc mắc được những người có liên quan trực tiếp trao đổi và đồng thuận, tránh đơn từ khiếu nại không cần thiết". Vậy người liên quan trực tiếp trong trường hợp kiến nghị của giải thưởng Nhà nước về âm nhạc và điện ảnh "lình xình" vừa qua là ai, nếu không phải chính là Hội chuyên ngành và Hội đồng cơ sở?
2. Hờ hững và sốt ruột
Cách đây một năm (2-5-2010), Hội đồng Lý luận - Phê bình VHNT TƯ đã từng trao đổi chuyên đề về "Tình hình trao giải thưởng VHNT hiện nay", báo cáo đề dẫn do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UB Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam chỉ rõ "Công tác tuyên truyền, hướng dẫn giải thưởng chưa đủ tầm, hội viên thiếu thông tin, lúc đầu thì hờ hững, đủng đỉnh, sau thì sốt ruột thắc mắc, kiện cáo, ảnh hưởng đến hòa khí trong hội. Báo chí cũng không được thông tin đầy đủ, vội vã khai thác một số thắc mắc, đưa tin thiếu cân nhắc, phiến diện, gây xôn xao trong dư luận".
Nhìn lại những sự cố vừa qua, nỗi niềm của biên kịch là có thật (khi trong nhiều trường hợp, tác phẩm điện ảnh được vinh danh nhưng biên kịch bị bỏ quên) cũng như quyền của đạo diễn được gửi tác phẩm xét giải thưởng Nhà nước là đúng đắn. Rồi thì việc các nhạc sĩ đòi hỏi chứng minh sự minh bạch trong đề cử Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc là chính đáng. Nhưng có vẻ như những ngày qua các nghệ sĩ đều tự đứng ra bảo vệ ý kiến của riêng mình?! Hầu như chưa có một thông tin chính thức nào từ phía Hội chuyên ngành, hoặc Hội đồng cơ sở trả lời cho những thắc mắc nêu trên của hội viên trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trao đổi riêng với Hànộimới chiều qua, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải cho biết, sau sự cố trên, hội đã gửi thông báo tới các chi hội giải thích về vấn đề này. Căn cứ trên Thông tư 03/2010 của Bộ VH,TT&DL cùng các văn bản hướng dẫn của Bộ, thì đạo diễn có quyền gửi tác phẩm xét tặng giải thưởng Nhà nước. Hiện nay, hội cũng vừa gửi danh sách 3 nhà biên kịch sang Hội Nhà văn để cùng cử xét tặng giải thưởng Nhà nước theo quy định. Vấn đề quan trọng theo ông Hải là cần phải tìm hiểu kỹ thông tin, tăng cường trao đổi, tránh sự cố đáng tiếc.
Cho đến nay, điều mà công chúng và nghệ sĩ chờ đợi là hội đồng các cấp nhận được đơn thư kiến nghị sẽ sớm có câu trả lời. Bộ VH,TT&DL khẳng định: "Hội đồng xét tặng cấp nào có đơn thư khiếu nại thì Chủ tịch Hội đồng cấp đó có trách nhiệm xem xét, trả lời". Dự kiến tháng 8-2011, Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Nhà nước sẽ làm việc, có quyết định cuối cùng về những cá nhân được giải theo từng chuyên ngành. Quan điểm của Bộ là: "Việc xét tặng được tiến hành theo quy định, qua nhiều cấp. Không phải kết quả hội đồng cấp dưới đưa lên là hội đồng cấp trên đương nhiên công nhận. Hội đồng cấp trên xem xét, đánh giá kết quả đề cử của hội đồng cấp dưới và có quyền bác kết quả đề cử của hội đồng cấp dưới khi có đủ thông tin và căn cứ".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.