(HNM) - Thông tư quy định xét danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vừa được Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu. |
Nguyện vọng chính đáng của nghệ nhân
Trên thế giới, nhiều nước đã có chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, họ được gọi một cách trân trọng là "báu vật nhân văn sống". Những nghệ nhân dân gian khi được tôn vinh có thể yên tâm trao truyền bí quyết mình đang nắm giữ cho thế hệ trẻ. Ở nước ta, dẫu biết rằng việc tôn vinh và có một chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đất nước là việc cần làm ngay, nhưng dùng dằng mãi chưa làm được do vướng cơ chế khi việc xét tặng này liên quan đến nhiều ngành, thiếu quy chế chung. Bộ Công thương tổ chức việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân cho lĩnh vực nghề thủ công truyền thống, còn Bộ VH,TT&DL sẽ công nhận danh hiệu ở 6 lĩnh vực là: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Trong khi các cơ quan hữu quan còn bận bàn luận, tranh cãi để đi đến quy chế chung thì các "báu vật nhân văn" lần lượt từ giã cõi đời.
GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết: Có tới 70-80% nghệ nhân thuộc diện được xem xét phong tặng danh hiệu đều đã ở tuổi gần đất xa trời, như nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu năm nay đã 94 tuổi, ca nương Phan Thị Mơn, người từng biểu diễn trong triều đình nhà Nguyễn trước năm 1945 cũng đã bước sang tuổi 89... Hay như nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, một trong những "liền anh" quan họ nổi tiếng; nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế Trần Kích, nghệ nhân kèn saranai Trượng Tốn… đều đã mang theo kiến thức, tài năng sang thế giới bên kia mà họ vẫn chưa một lần nhận được tấm bằng vinh danh.
Thực ra, từ năm 2002 đến nay, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho hơn 150 người. Nhưng theo GS-TSKH Tô Ngọc Thanh thì việc phong tặng của Hội mới chỉ là sự động viên tinh thần, còn chính sách đãi ngộ hầu như chưa có. Vì thế mới có chuyện gia đình nghệ nhân ca trù Hà Thị Cầu nổi tiếng khắp mọi miền đất nước vẫn thuộc diện hộ nghèo. Càng xót xa hơn khi con số thống kê gần đây cho thấy, 90% trong số gần 200 đào nương, kép đàn nổi tiếng của ca trù không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Họ phải làm đủ mọi nghề để trang trải cuộc sống hằng ngày và "nuôi" niềm đam mê nghệ thuật...
Sau vinh danh vẫn chỉ là "danh"?
Theo dự thảo Thông tư quy định xét công nhận NNND, NNƯT do Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì người được xét công nhận phải có thời gian thực hành 25 năm trở lên với danh hiệu NNND và 20 năm trở lên với NNƯT; đồng thời phải có tài năng xuất sắc, có đạo đức tốt, được đồng nghiệp yêu mến, được cộng đồng thừa nhận... Người được phong tặng sẽ được nhận Huy hiệu, Bằng chứng nhận do Chủ tịch nước tặng, sẽ có tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương tối thiểu chung với NNND và 9,0 lần mức lương tối thiểu chung với NNƯT. Đối với những nghệ nhân đủ tiêu chuẩn được xét tặng NNND hay NNƯT, nếu qua đời trong thời gian giữa hai kỳ xét tặng thì được lập hồ sơ đề nghị xét truy tặng. Như vậy, đối tượng, tiêu chuẩn để được xét tặng, chính sách đãi ngộ đi kèm khi được phong tặng đã rõ nhưng các nghệ nhân được hưởng chính sách như thế nào sau khi được phong tặng thì chưa rõ ràng.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: Ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ chọn ra những nghệ nhân xuất sắc nhất, nuôi dưỡng suốt đời để nghệ nhân ấy chỉ làm việc cho Nhà nước, sản xuất ra các sản phẩm phục vụ Nhà nước, biểu diễn theo các kế hoạch của Nhà nước. Cách làm này có tác dụng tích cực cho cả hai phía, nhưng từ khi Công ước UNESCO 2003 ra đời thì lại trái với Công ước về quyền của chủ thể văn hóa. Có nghĩa là, nghệ nhân (chủ thể văn hóa) xét ở khía cạnh nào đó họ đồng thuận với Nhà nước, nhưng ở khía cạnh khác họ có tính biệt lập, trong khi Công ước đòi hỏi tính cộng đồng. Những người khác trong cộng đồng sẽ nghĩ sao khi không được chăm sóc như vậy? Hơn thế, Nhà nước không thể chỉ quan tâm đến những nghệ nhân bậc thầy mà "bỏ qua" lớp trẻ bởi họ mới là người kế cận.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, bà Lý đề xuất Nhà nước nên có chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân theo từng công việc. Bất kỳ ai đưa ra sáng kiến, đề xuất hay cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và muốn thực hành nó thì sẽ được hỗ trợ. Cũng theo bà Lý, Dự thảo Thông tư chưa có nội dung nào quy định việc nâng danh hiệu NNƯT lên NNND, trong khi điều đó tất yếu xảy ra khi thông tư được triển khai. Như thế, lại cần thêm một quy chế, một chính sách nữa…? Chỉ từng ấy vấn đề thôi cũng đủ thấy rõ việc xem xét, phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT khó có thể thực hiện được vào dịp 2-9 tới đây. Ngay như hành lang pháp lý cho quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng cũng vẫn đang bị "tắc". Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn 300 hồ sơ đề nghị xét tặng do các tỉnh, thành phố gửi lên phải tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa cho dù đa số nghệ nhân đã ở tuổi xế chiều…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.