Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xe 'trá hình' hiến kế... chống trá hình

Theo Tiền phong| 12/03/2016 09:50

Để quản xe trá hình, Tổng cục Đường bộ mời chính các doanh nghiệp (DN) vận tải, kể cả tập đoàn xe trá hình sừng sỏ nhất hiến kế. Cuộc họp đã lộ ra nhiều kẽ hở lớn của loại hình xe hợp đồng và xuất hiện nhiều giải pháp gốc rễ...

Hãng xe Thành Bưởi chạy tuyến cố định dạng hợp đồng.


Chiều 11/3, lần đầu tiên, các DN xe khách lâu nay vẫn được gọi là “trá hình”, “đội lốt”, “xe dù”... được Tổng cục Đường bộ Việt Nam trang trọng mời dự buổi đối thoại để xây dựng cơ chế quản lý. Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện mào đầu cởi mở: “Chúng ta ở đây, không phân định đúng sai mà nhằm tìm ra cách quản lý. Quản làm sao vừa trật tự, đảm bảo lợi ích cho DN. Rất mong DN đưa ra cao kiến”. Sau lời mào đầu cầu thị đó, DN không ngần ngại công khai việc mình lách luật, chạy xe khách cố định bằng giấy phép xe hợp đồng.

Đại diện hãng xe Thành Bưởi – DN dùng xe hợp đồng chạy cố định vào diện lớn nhất cả nước cho rằng, ưu điểm của xe Thành Bưởi là vào trung tâm thành phố; khách không phải đi xa; doanh nghiệp cũng kinh doanh thuận lợi. Ông này đề nghị Tổng cục Đường bộ nên tạo điều kiện cho những DN xe hợp đồng có bến đỗ, không làm ách tắc giao thông hoạt động; thậm chí nên áp dụng công nghệ số để tạo sự hanh thông.

Chủ doanh nghiệp Hà Lan (chuyên tuyến Hà Nội – Thái Nguyên) cho hay: “Chúng tôi đi rất sát các quy định nhà nước. Khi có khách, chúng tôi đưa về văn phòng rồi gom khách lại, lập danh sách, ký hợp đồng đúng quy định, rồi cứ thế mà đi”.

Ở chiều ngược lại, ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Bến xe Đà Nẵng cho hay: Cơ chế quản lý hiện nay lỏng lẻo nên xe khách bỏ bến, chạy dù dưới dạng xe hợp đồng phổ biến. “Tuyến Quảng Nam đi TPHCM không còn xe nào trong bến; tuyến Huế - Hà Nội cũng thế. Đà Nẵng chưa nhiều nhưng tôi phải vào TPHCM nắm tình hình để đề phòng”. Ông Hoàng đề nghị, nếu không ngăn chặn tình trạng này, xe khách sẽ chạy hết khỏi bến, dừng khắp các tuyến phố bắt khách gây ách tắc; ngành vận tải tuyến cố định và kinh doanh bến xe gây dựng lâu nay khó tồn tại.

“Xử” xe trá hình dễ không?

Tại cuộc đối thoại, Tổng cục Đường bộ đưa ra nhiều biện pháp quản lý xe hợp đồng, bao gồm: Không được đón, trả khách tại văn phòng công ty; không chở khách du lịch (dành cho loại xe du lịch); được dùng hợp đồng điện tử; danh sách hành khách chỉ được in, không dùng hóa đơn viết tay; không được gắn biển báo chạy tuyến xe cố định; rút ngắn thời gian cấp phù hiệu xuống 1-2 năm...

Nhiều ý kiến ủng hộ việc siết chặt xe hợp đồng nhưng cho rằng, các giải pháp này vẫn mang tính chất manh mún, DN dễ lách. Chẳng hạn, các hãng vẫn sẽ bán vé lẻ, lập hợp đồng, danh sách khách chiếu lệ, đưa hẳn máy in lên xe để in danh sách khách.

Đại diện hãng xe Phương Trang gay gắt đề nghị không hợp thức hóa xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định. “Sở GTVT chỉ cần dựa vào thiết bị giám sát hành trình, thấy lộ trình lặp đi lặp lại hàng ngày là có thể xử lý. Cần đưa ra quy định phạt nặng, rút giấy phép. Cứ để tình trạng này, DN xe cố định làm ăn nghiêm túc buộc phải cho xe vào nội thành, không sẽ tự giết mình” - đại diện hãng Phương Trang nói.

Phó GĐ Bến xe Miền Đông (TPHCM) Thượng Thanh Hải cũng cho rằng, xe hợp đồng đúng nghĩa phải ra chạy mỗi ngày mỗi hướng (theo đám cưới, đám tang, hay thăm quê quán). Xe nào mỗi ngày đón khách một chỗ, đi theo một hành trình là xe khách trá hình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xe 'trá hình' hiến kế... chống trá hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.