(HNM) - Sau một thời gian tạm lắng, xe quá tải trọng lại lưu thông rầm rộ và cày nát các tuyến đê ở Hà Nội. Thực tế cho thấy phải quyết liệt hơn nữa mới ngăn chặn, xử lý được vấn nạn này.
Oằn mình cõng xe quá tải
Tuyến đê hữu Hồng từ Thường Tín xuống Phú Xuyên, toàn bộ mặt đê dài gần 30km có tới hàng trăm điểm bị xe quá tải cày xới. Có những vị trí thuộc xã Thống Nhất, Hồng Vân (Thường Tín), thị trấn Phú Minh, Văn Nhân, Thụy Phú, Khai Thái (Phú Xuyên) mặt đê bị nứt, võng, lún sụt và nhiều ổ voi, ổ gà, mỗi khi trời mưa tạo thành những vũng nước gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trên tuyến đê hữu Hồng qua địa bàn huyện Thường Tín - Phú Xuyên, xe quá tải vẫn vô tư hoạt động. |
Bà Trần Thị Nhung, xã Thụy Phú (Phú Xuyên) bức xúc cho biết: Đường đê quy định chỉ cho các xe dưới 10 tấn, thế nhưng hằng ngày vẫn "cõng" hàng trăm lượt xe tải trọng 30-40 tấn chạy qua. Thậm chí, khu vực này đã xảy ra tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là đường quá xấu - bà Nhung cho biết.
Tương tự, tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì... tình trạng các tuyến đê phải oằn mình chịu xe chở quá tải trọng, dẫn đến mặt đê bị biến dạng, xuống cấp cũng rất phổ biến. Đặc biệt, tuyến đê Ngọc Tảo (Phúc Thọ) có chiều dài 14,2km, mới được đầu tư xây dựng cách đây hơn 3 năm, nay cũng đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng do xe chở quá tải. Người dân sinh sống ở khu vực này cho biết, mỗi ngày có khoảng 40 lượt xe chở đất cho các lò gạch chạy trên đê.
Cần mạnh tay
Để hạn chế xe quá tải trọng hoạt động trên đê, trong những năm vừa qua, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội đã có nhiều giải pháp phòng chống nhưng vẫn chưa hiệu quả. Chẳng hạn, tháng 8-2015, Chi cục xây dựng barie trên đê hữu Hồng tại Phú Xuyên, thế nhưng cũng chỉ hạn chế được xe quá tải từ các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, còn xe chở cát, vật liệu xây dựng từ các điểm trung chuyển trên địa bàn Phú Xuyên, Thường Tín vẫn vô tư hoạt động. Hằng năm, các sở, ngành, quận, huyện đều tổ chức các đợt kiểm tra, ngăn chặn hoạt động của xe chở quá tải trọng đi trên các tuyến đê, tuy nhiên kết thúc đợt ra quân, vi phạm lại tái diễn.
Tại hội nghị giao ban bàn giải pháp xử lý vi phạm đê điều mới được thành phố tổ chức, ông Nguyễn Xuân Thọ (Công an huyện Thường Tín) kiến nghị: Các địa phương phải yêu cầu chủ bến bãi vật liệu xây dựng ký cam kết không cho xe quá tải trọng vào chở vật liệu. Đồng thời, ngành Tài nguyên và Môi trường kiên quyết thu hồi những bến bãi hoạt động không có giấy phép, sai phép. Đối với lực lượng canh gác, quản lý đê, hằng ngày, hằng giờ phải tuần tra, kiểm tra; nhất là ứng trực ở những vị trí xung yếu, tuyến đê phức tạp, khi phát hiện vi phạm thì thông tin ngay cho cơ quan công an gần nhất đến xử lý. Đại diện Thanh tra thành phố nhấn mạnh, địa phương nào để xảy ra nhiều vi phạm cần xem xét trách nhiệm của lãnh đạo cũng như cán bộ phụ trách địa bàn. Bên cạnh đó, các địa phương phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong công tác xử lý...
Trước vấn nạn xe quá tải cày nát mặt đê, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện có giải pháp xử lý triệt để; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, siết chặt quản lý cấp phép, cho thuê đất làm bến bãi, lò gạch ven sông, ven đê. Để xảy ra tình trạng xe quá tải chạy trên đê, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương bởi ở các quận, huyện đều có đầy đủ lực lượng thực thi pháp luật để xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với Chi cục Đê điều, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo cần bổ sung biển cấm xe quá trọng tải, biển chỉ dẫn và xây dựng các mố hạn chế ở những vị trí hợp lý để lái xe chấp hành. Lực lượng canh gác đê các huyện tăng cường tuần tra, chụp ảnh, ghi hình những xe chở quá tải lưu thông trên đê gửi cho cơ quan chức năng làm cơ sở xử lý vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.