(HNM) - Dù chỉ giành 2 HCB, 2 HCĐ tại Giải Xe đạp đường trường toàn quốc 2016 vừa qua nhưng với người trong nghề, đó vẫn là thành tích chấp nhận được của xe đạp thể thao Hà Nội.
Trịnh Đức Tâm là tay đua trẻ triển vọng của xe đạp Việt Nam. Ảnh: Gia Khanh. |
Những người quản lý bộ môn xe đạp vẫn luôn nhớ về lịch sử xe đạp thể thao Hà Nội với bề dày truyền thống, các cuộc đua nổi tiếng từ trước năm 1954. Trong những cuộc đua đó, không ít tay đua Hà Nội đã ghi danh, nổi bật là Mạc Đình Trường - VĐV bị câm nhưng nổi tiếng với những cú vào cua ở tốc độ cực cao.
Cũng vì truyền thống đó mà Ngành Thể thao Hà Nội luôn duy trì bộ môn xe đạp thể thao dù đây là môn tốn kém, không dễ đạt thành tích cao. Xe đạp Hà Nội (chỉ tính riêng xe đạp đường trường) lúc nào cũng sở hữu những VĐV tài năng.
Thế nhưng, khi cơ hội cọ xát, chế độ lương thưởng hạn chế, xe đạp Hà Nội đã không thể giữ chân VĐV giỏi. Thùy Dung, Hồng Thủy - những tay đua từng làm nên thế mạnh một thời cho xe đạp Hà Nội - đã đến với những đội khác. Hiện nay, xe đạp thể thao Hà Nội chỉ còn dựa vào các cua rơ nam; các cua rơ nữ đều còn trẻ, phải mất nhiều thời gian để có thể so đọ với các đội khác.
Tuy thế, ngay cả việc duy trì được một đội nam đủ mạnh để có thể tranh chấp huy chương ở mỗi kỳ giải quốc gia hay đại hội TDTT toàn quốc cũng không phải là dễ dàng. Hạn chế lớn nhất đối với các cua rơ Thủ đô là thiếu cơ hội cọ xát. Khu vực phía Bắc chỉ có Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa phát triển xe đạp đường trường.
Hơn nữa, để Vĩnh Phúc và Thanh Hóa phát triển môn này, thể thao Hà Nội cũng phải xắn tay hỗ trợ về chuyên môn. Vậy mà ở Giải Xe đạp đường trường toàn quốc 2016 vừa qua, đội xe đạp Thanh Hóa chỉ có một cua rơ tham dự. Trong khi đó, ở miền Nam có tới gần chục đội đua, thường xuyên được cọ xát qua hệ thống giải thường niên - dao động từ 8 đến 10 giải/năm.
Nhờ đó, VĐV có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ. Xe đạp thể thao Hà Nội và các đội đua ở miền Bắc luôn muốn cử VĐV tham dự các giải đấu này nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện do thiếu kinh phí. Vì vậy, trong một năm, các nhà quản lý cũng chỉ chọn tham dự một số giải; thời gian còn lại, VĐV tự tập với nhau. Điều đó đã hạn chế đáng kể sự phát triển về chuyên môn của VĐV dù người trong làng xe đạp luôn phải thừa nhận rằng VĐV xe đạp ở các tỉnh phía Bắc có tố chất vào diện hàng đầu Việt Nam.
Vài năm gần đây, xe đạp Hà Nội tạo điều kiện cho VĐV thi đấu dưới dạng cho một số đội đua mạnh ở miền Nam mượn. Nhờ đó, VĐV có thêm cơ hội cọ xát cũng như chế độ đãi ngộ. Đến giải vô địch quốc gia cũng như đại hội TDTT toàn quốc, các VĐV này lại trở về thi đấu cho Hà Nội. Thế nên mới có chuyện tay đua Trịnh Đức Tâm (Hà Nội) thi đấu cho Truyền hình Vĩnh Long và bây giờ là cho Gạo Hạt Ngọc Trời An Giang.
Rồi tay đua trẻ Nguyễn Hữu Tiến, trong một số mùa qua cũng được thi đấu dưới dạng cho mượn ở đội Vĩnh Long. Cũng nhờ thế mà trình độ của cả hai vẫn phát triển ổn định, trong đó, Trịnh Đức Tâm luôn là lựa chọn hàng đầu ở đội tuyển quốc gia. Tại Giải Xe đạp đường trường De Siak (Indonesia) cách đây hơn nửa tháng, anh đã giành Giải Áo vàng.
Trước mắt, với cách làm trên, xe đạp thể thao Hà Nội vẫn có thể nhìn thấy cơ hội cạnh tranh HCV tại các giải quốc gia. Như Chủ nhiệm CLB Xe đạp thể thao Hà Nội Nguyễn Minh Thành chia sẻ: “Ngoài việc đưa VĐV đến các đội đua mạnh để nâng cao trình độ, Hà Nội vẫn phải chú trọng đào tạo VĐV để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tại các giải toàn quốc, đại hội TDTT toàn quốc cũng như ở các giải quốc tế”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.